Châu Âu ‘hú vía’ vì giá khí đốt
Ông Carlos Torres Diaz, người phụ trách mảng thị trường năng lượng và khí đốt của Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) chia sẻ với Guardian, Nga tìm cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách duy trì giá khí đốt cao ở châu Âu.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, giá nhiên liệu tăng vọt không chỉ có công của Tổng thống Putin. Với những tuyên bố “hấp tấp” của giới chức châu Âu về đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), chính họ đang cải thiện tài chính của tập đoàn Gazprom.
Theo số liệu sơ bộ, từ ngày 1/1 đến ngày 15/12/2021, Gazprom đã tăng sản lượng khí đốt tự nhiên lên 490,4 tỉ mét khối. Con số này cao hơn 14,2% (61,1 tỉ mét khối) so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng sản lượng này sẽ đi về đâu? Trang web của công ty cho hay, họ đã tăng đáng kể nguồn cung cho thị trường nội địa Nga với hơn 30 tỉ mét khối. Xuất khẩu sang các nước không thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG), bao gồm cả châu Âu với hơn 8,2 tỉ mét khối.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ giúp đổ đầy các kho dự trữ khí đốt của châu Âu nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn cung và căng thẳng chính trị tiếp tục làm chao đảo thị trường năng lượng trong khu vực. (Ảnh: AP) |
Những quốc gia nhận được nhiều khí đốt của Nga hơn trong nửa đầu tháng 12 so với năm ngoái là Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Bulgaria, Romania, Serbia, Hy Lạp, Slovenia, Thụy Sĩ, Bắc Macedonia, Bosnia và Herzegovina, Ba Lan, Đan Mạch và Phần Lan.
Ngoài ra, nguồn cung sang Trung Quốc cũng đang tăng lên. “Vào tháng 12, theo yêu cầu của phía Trung Quốc, Nga tiếp tục tăng nguồn cung với hơn một phần ba nghĩa vụ hợp đồng của Gazprom”, Gazprom cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, có vẻ như Trung Quốc đang cố gắng “khai thác” khối lượng nhiên liệu xanh tối đa có thể và Nga đã đạt được nửa chặng đường.
Trong khi đó, châu Âu có thể đưa ra những tuyên bố nào đối với Gazprom, khi công ty này đã hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với các đối tác phương Tây và kế hoạch xuất khẩu của riêng mình.
Nga vẫn làm chủ cuộc chơi
Tờ Kommersant của Nga mới đây thu hút sự chú ý đến một thực tế thú vị là nguồn cung cấp của Gazprom cho châu Âu đã tăng đáng kể trong 3 quý đầu năm nay. Nếu trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Chín, mức cũng đã vượt quá các chỉ tiêu của năm ngoái là 15,3%, thì vào mùa thu, tình hình bắt đầu thay đổi.
Gazprom đã “bật vòi” theo hướng Ukraine và Ba Lan. Khối lượng xuất khẩu trung bình hàng ngày trong tháng 12 là 423 triệu mét khối. Giờ đây con số này ít hơn khoảng một phần ba so với thời kỳ trước đại dịch.
Nếu các động lực hiện tại được duy trì, Nga sẽ xuất khẩu 184,7 tỉ mét khối vào cuối năm. Tuy nhiên, Gazprom sẽ có thể đạt được kết quả này bằng cách tăng nguồn cung cho Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Và cuối cùng các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhận được ít hơn nhiều khí đốt so với những gì họ muốn.
Giá khí đốt tăng cao không chỉ gây ra gánh nặng cho người dân mà còn đè nặng lên sự phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch. (Ảnh: AP) |
Bên cạnh đó, trữ lượng khí đốt tại các cơ sở lưu trữ châu Âu đang nhanh chóng cạn kiệt. Tính đến ngày 13/12, các cơ sở lưu trữ đã giảm 24,5% so với năm ngoái gần 20 tỉ mét khối.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi một mặt, giá khí đốt tăng đột biến mặt khác, châu Âu đổ lỗi cho Nga về những gì đang xảy ra. Các tuyên bố về vụ tống tiền năng lượng của Tổng thống Putin với mục đích “khai thông” Nord Stream 2 một lần nữa có liên quan.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, Gazprom đang kiếm được lợi nhuận kỷ lục từ thị trường hiện tại. Trong tháng 7-9, công ty Nga đã báo cáo lợi nhuận ròng 582 tỉ ruble, trong quý IV, công ty dự kiến kết quả “thậm chí còn ấn tượng hơn”.
Bằng cách thực hiện các dự báo xuất khẩu của riêng mình với độ chính xác của súng bắn tỉa, Gazprom đang đạt được nhiều hơn so với kế hoạch.
Ông Carlos Torres Diaz, giám đốc nghiên cứu khí đốt của công ty tư vấn Rystad Energy, tin rằng Nga có thể hạ giá khí đốt ở Tây Âu xuống 50% nếu nước này tăng sản lượng xuất khẩu lên 20%. Nhưng vấn đề là gì? Lập luận hợp lý duy nhất diễn ra là “Gazprom phải trấn an châu Âu để ngăn chặn sự phá hủy nhu cầu đối với các sản phẩm của mình trong dài hạn”.
“Trong nhiều năm, châu Âu đã phụ thuộc vào khí đốt như một nguồn năng lượng tương đối hợp lý với lượng khí thải thấp hơn so với than đá. Mùa đông năm nay có thể khiến nhiều quốc gia dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo để chống lại sự gia tăng của thị trường năng lượng trong tương lai”, ông Diaz nhận định.
Theo ông Diaz, vào năm 2049, EU có kế hoạch từ bỏ các hợp đồng dài hạn nhập khẩu khí đốt của Nga.
Trước đó, ông Carlos Torres Diaz đánh giá: “Nord Stream 2 là dự án có thể làm thay đổi cuộc chơi về cung cấp khí đốt ở châu Âu và giúp mở rộng quy mô nguồn cung. Vì thế, sự chậm trễ trong việc vận hành dự án này sẽ khiến cuộc khủng hoảng kéo dài qua mùa Đông”.
Giá khí đốt châu Âu tăng ‘phi mã’ do lo ngại mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine
Giá khí đốt ở châu Âu tăng hơn 12% mỗi ngày, sau khi đạt kỷ lục kể từ đầu tháng 10.
Thanh Bình (lược dịch)