Chuyên gia hé lộ giải pháp cần cho "cuộc chiến" dầu mỏ Nga - Mỹ - Ả Rập
Nhận định trên của ông Ruben Cruz, đối tác chính của Bộ Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên thuộc Tập đoàn Kiểm toán KPMG tại Mexico chia sẻ với RIA hôm 3/4.
Thị trường dầu mỏ đang chao đảo do tác động của dịch Covid-19. Ảnh: RIA. |
Bloomberg đưa tin, hôm 2/4, dẫn các nguồn từ quan chức năng lượng cho biết, Nga không có kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu mỏ, bất chấp thực tế là đến ngày 1/4 thỏa thuận hạn chế khai thác dầu với OPEC+ đã hết hiệu lực.
Bloomberg cho rằng, quyết định này liên quan đến sự dư thừa nguồn cung trên thị trường, bởi vì người mua không thể tiêu thụ một lượng dầu lớn như vậy. Theo Bloomberg đây là quyết định “khôn ngoan” của Nga với tình hình hiện tại, nó mang tính “ôn hòa”.
Về phía Saudi Arabia, dẫn lời một quan chức năng lượng nước này cho hay, Saudi Arabia đã tăng sản lượng lên mức kỷ lục 12 triệu thùng/ ngày, nhưng không thể tìm kiếm được khách mua dầu và hiện buộc phải đổ đầy tàu chở dầu và ra khỏi cảng mà không có điểm đến.
Trước viễn cảnh này, ông Cruz nhận định: “Nếu các nhà lãnh đạo của ba nước Nga, Mỹ và Saudi Arabia ngồi vào bàn đàm phán và thỏa thuận về những gì họ sẽ làm, thì tác động kinh tế của tình trạng dầu rớt giá, có thể được giảm bớt. Đó hẳn sẽ là một tín hiệu tốt cho thị trường”.
Cũng theo ông Cruz, ngoài tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới, tình hình còn phức tạp hơn do sự xung đột về địa chính trị đến nay đã lan sang nhiều quốc gia.
“Trách nhiệm đặc biệt quan trọng của việc đưa ra quyết định và những tín hiệu mà “ba ông lớn” trong thị trường dầu mỏ này sẽ đại diện cho hơn 30% sản lượng khai thác dầu toàn cầu”, ông Cruz cho biết thêm.
Theo các báo cáo, giá giao dịch dầu mỏ trên thị trường hôm thứ Năm (2/4) đã tăng 20% - 25% ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng Saudi Arabia và Nga sẽ giảm sản lượng khai thác dầu mỗi ngày thêm 10 triệu thùng trở lên.
Ủy viên Đường sắt Texas, Ryan Sitton hôm 2/4 cho biết ông đã trao đổi với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và cho biết cả hai bên nhất trì rằng ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đòi hỏi mức độ hợp tác quốc tế chưa từng có và “thảo luận về việc cắt giảm 10 triệu thùng nguồn cung toàn cầu”.
Trước đó, ông Novak nói rằng thị trường dầu mỏ có thể “được cân bằng”, nhưng còn có một biện pháp khác là nhóm OPEC+ và các nước khai thác dầu khác có thể phối hợp và tham khảo ý kiến với nhau khi có những hành động đi trước nhằm khôi phục thị trường dầu mỏ.
Trong một diễn biến khác, Bloomberg đưa tin, Trung Quốc đang tận dụng lợi thế giá dầu thấp để xây dựng kho dự trữ. Báo cáo này cho hay Trung Quốc có thể mua thêm 100 triệu thùng dầu trong thời gian còn lại của năm.
Hôm 6/3, sau khi cuộc đàm phán tại Vienna giữa 14 quốc gia thành viên OPEC và 10 đối tác trong đó có Nga hình thành nên liên minh OPEC+, đã không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ sau khi Nga từ chối siết chặt nguồn cung để đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói các nước sẽ tự do sản xuất từ ngày 1/4, sau khi thỏa thuận hiện nay kết thúc vào cuối tháng 3.
Hôm 1/4, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết Bộ trưởng Bộ Năng lượng Dan Brouillette và người đồng cấp Nga Alexander Novak ngày 31/3 đã nhất trí tổ chức các cuộc thảo luận trong thời gian tới bàn về tình hình thị trường dầu toàn cầu.
Nội dung cuộc thảo luận bao gồm diễn biến thị trường năng lượng, Nga và Mỹ nhất trí tiếp tục đối thoại cùng các nhà sản xuất dầu và tiêu thụ dầu, trong đó có Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhằm giải quyết tình trạng gián đoạn chưa có tiền lệ trong nền kinh tế toàn cầu.