Chuyện của vị bác sĩ gặp ai cũng mời hiến tạng
GS Trịnh Hồng Sơn kể lại việc kêu gọi hiến mô tạng. |
Gặp ai cũng mời hiến tạng
Chẳng có gì bất ngờ nếu bạn đến Trung tâm điều phối tạng quốc gia và nhận được câu hỏi "Bạn đã đăng ký hiến tạng chưa?".
Và có những buổi họp báo bệnh viện mang cả tập đơn hiến mô tạng phát cho các phóng viên nhà báo.
Theo các cán bộ của trung tâm, không chỉ có họp báo mà các chương trình tình nguyện của thành đoàn, chương trình hội thảo ở đâu đó, chỉ cần có người của trung tâm lên báo cáo họ lại mang đơn này đến phát.
Giáo sư Trịnh Hồng Sơn – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - tâm sự, có lẽ ông là người bác sĩ “lạ đời” bởi cứ tranh thủ lúc nào gặp được ai là ông lại mang đơn xin hiến mô tạng đến dúi vào tay người đó. Dù biết đó chỉ là lá đơn nhưng hiệu quả thu về luôn là niềm vui với những bác sĩ ở Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Nhiều khi GS Sơn còn "mặc cả" với người đối thoại, phải được phát đơn mới gặp.
Giáo sư Sơn kể, rất nhiều lần gặp ai ông cũng hỏi “Anh chị đã đăng ký hiến mô tạng chưa?" Và điều đó khiến nhiều người không thích. Họ cho rằng “độc mồm, độc miệng” vì người Việt rất ngại nói đến chết chóc, ốm đau khi đang khỏe mạnh.
Khi Giáo sư Sơn vừa buông lời, có người cau mày khó chịu cho rằng ông đang rủa người ta chết đi, còn có người chỉ gượng cười. Nhưng thôi, ông vẫn cứ ấn đơn vào tay và 100 lá đơn phát đi chỉ cần một lá đơn đồng ý cũng quý lắm rồi.
Ông chia sẻ từ khi được Bộ Y tế giao cho trách nhiệm mới làm Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, ông đã hình thành thói quen này. Nhưng khởi điểm chưa biết từ đâu nên đành bằng cách thuyết phục miệng. Không chỉ bản thân mình, các học trò của Giáo sư Sơn cũng được ông truyền lửa đi thuyết phục hiến tạng. Giáo sư Sơn cho biết mỗi khi có bài giảng cho sinh viên tôi đều kèm vào đó việc tuyên truyền hiến tạng.
Giáo sư Sơn hi vọng một vài năm tới ông không phải làm những công việc này nữa mà lúc đó đã có một hội vận động hiến tạng do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm chủ tịch và giáo sư Sơn chỉ chú tâm vào chuyên môn. Ở trên thế giới, các nước đều như thế nhưng hiện nay do Việt Nam còn mới mẻ nên ông cũng kiêm nhiệm luôn.
Theo dõi bệnh nhân từng ngày
Những bệnh nhân ghép tạng do chính mình phẫu thuật và điều trị, Giáo sư Sơn kể hầu như bệnh nhân nào ông cũng nhớ.
"Mỗi bệnh nhân tôi điều trị đều ghi lại tên tuổi để tôi theo dõi cho đến khi bệnh nhân mất. Đó là trách nhiệm của mình" - GS Sơn chia sẻ.
Không những thế, ông luôn theo dõi bệnh nhân, không chỉ tình trạng bệnh mà còn cả hoàn cảnh gia đình như thế nào.
Khi vào Nam lấy tạng, nhiều nhà báo xin đi theo đã bị giáo sư từ chối. Với những bác sĩ phẫu thuật, bất cứ ca phẫu thuật nào cũng có thể có tai biến và ghép tạng không ngoại lệ. Giáo sư Sơn muốn sự việc thành công rồi truyền thông mới vào cuộc sẽ tốt hơn là báo chí đưa tin nhiều nhưng rồi lại không thành công, dư luận sẽ hiểu sai.