"Chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang tiêu dùng ở nước ngoài"- tin nhắn lừa đảo ngày càng tinh vi
"Chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang tiêu dùng ở nước ngoài. Nếu không phải là bạn hãy nhập link này để hủy thanh toán", tin nhắn lừa đảo vô cùng tinh vi đánh trúng tâm lý khiến khách hàng có thể dính bẫy
Ngân hàng khuyến cáo tình trạng lừa đảo tinh vi chiếm đoạt tài khoản ngân hàng dịp Tết |
Một loạt các ngân hàng đã phải phát đi thông tin cảnh báo các khách hàng của mình về những chiêu thức lừa đảo tinh vi khiến khách hàng không thể phân biệt thật, giả.
Lợi dụng thương hiệu của các ngân hàng, các đối tượng thường có những hành vi lừa đảo bằng cách giả mạo tin nhắn SMS của ngân hàng để gửi tin nhắn trúng thưởng, cảnh báo đổi mật khẩu, cảnh báo cập nhật dịch vụ… và nội dung sẽ đính kèm đường link giả mạo trang web với tên gần giống website chính thức của ngân hàng khiến khách hàng dễ nhầm lẫn, mất cảnh giác, để đánh cắp thông tin cá nhân.
Các ngân hàng đều khuyến cáo khách hành không truy cập vào đường link lạ, đồng thời khẳng định ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mã OTP, mật khẩu tài khoản, mã mở khóa eToken+ qua các đường dẫn (link) trong bất kỳ trường hợp nào.
Khách hàng không truy cập vào đường dẫn lạ hoặc tải phần mềm/ứng dụng lạ, chỉ sử dụng ứng dụng ngân hàng trên các thiết bị an toàn được thường xuyên nâng cấp hệ điều hành.
Cụ thể hơn, Sacombank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không đăng nhập vào đường link chứa địa chỉ website tương tự của ngân hàng được gửi từ tin nhắn (kể cả tin nhắn từ đầu số Sacombank), email, các trang mạng xã hội.
Tin nhắn SMS mạo danh ACB gửi khách hàng nhằm lừa đảo. |
Thủ đoạn tương tự cũng được lặp lại với khách hàng của Ngân hàng ACB. Nhà băng này cảnh báo gần đây có các tin nhắn SMS mạo danh ACB gửi đến khách hàng nhằm mục đích lừa đảo. Các yêu cầu cung cấp thông tin hoặc mã OTP hoặc mời bấm link đều là giả mạo. ACB khuyến cáo khách hàng cảnh giác và chỉ giao dịch với ACB qua các kênh chính thức gồm: Ứng dụng ACB trên thiết bị di động, website chính thức của ACB.
Theo ngân hàng BIDV, thời gian gần đây, rộ lên nhiều hình thức mạo danh tin nhắn ngân hàng để lừa khách hàng bấm vào đường link trong tin nhắn, từ đó đánh cắp các thông tin ngân hàng điện tử nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Để đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng, tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo, BIDV yêu cầu khách hàng đặt mật khẩu ngân hàng điện tử khó đoán, thay đổi mật khẩu thường xuyên hoặc thay đổi khi thấy nghi ngờ. Không sử dụng các phần mềm lưu trữ mật khẩu, không dùng chung một mật khẩu cho nhiều ứng dụng.
Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập/mật khẩu đăng nhập/mã xác thực OTP trên ứng dụng ngân hàng điện tử cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
Tuyệt đối không bấm/nhấn vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn/email/kênh mạng xã hội mạo danh BIDV.
Ngân hàng SHB cũng vừa khuyến cáo khách hàng thông tin như trên đồng thời yêu cầu khách hàng không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng bất cứ khi nào nhận được cuộc điện thoại, tin nhắn có nội dung lạ, liên quan đến giao dịch ngân hàng (nạp thẻ, rút tiền, chuyển tiền qua ngân hàng, truy cập vào link lạ…);
Không truy cập hoặc nhập thông tin tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập internet banking/mobile banking, mã xác thực OTP, số tài khoản… vào các đường dẫn lạ/phần mềm/ứng dụng lạ;
Không cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng;…các người dùng cần xác thực thông tin (qua điện thoại di động hoặc trực tiếp) trước khi thực hiện thanh toán/chuyển tiền khi nhận được yêu cầu từ facebook/zalo/messenger từ người thân/bạn bè.
Theo ngân hàng Techcombank, trong thời điểm sắm Tết đón năm mới Tân Sửu 2021, khách hàng có thể gặp tình huống giả mạo như: Lợi dụng khách hàng đang cần được hỗ trợ tại các comment trên fanpage Techcombank, hướng khách hàng liên hệ qua zalo và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như số thẻ, ngày mở thẻ, mã OTP,...
Hoặc người dùng nhận được một tin nhắn SMS thông báo về việc ngân hàng yêu cầu cập nhật phần mềm, kèm theo đường link. Click vào đường link, người dùng được dẫn tới trang web có logo của ngân hàng và được yêu cầu nhập các thông tin xác minh danh tính và tài khoản ngân hàng điện tử. Khai báo, và thông tin cá nhân của người dùng có thể đã bị đánh cắp.
Do vậy, Techcombank khuyến cáo người dùng hãy cẩn trọng trước bất cứ yêu cầu khai báo thông tin cá nhân nào.
Ngân Giang
"Chiêu" lừa đảo mới tinh vi ngân hàng tiếp tục cảnh báo
Một trong những hình thức lừa đảo mới qua ngân hàng là nhằm vào những khách hàng có nhu cầu vay vốn với số tiền nhỏ nhưng cần ngay và không cần thế chấp tài sản đảm bảo.