Chứng khoán qua thời ăn xổi
Hành trình 15 năm leo đỉnh mốc 1.550 điểm của VN-Index bị xoá sạch chỉ trong 6 tháng đầu năm. Chỉ số chính bốc hơi hơn 20% trong thời gian ngắn, cuốn sạch thành quả của nhiều NĐT, thậm chí kéo họ rơi vào tình cảnh thua lỗ, chán nản.
Nửa đầu năm 2022, chứng khoán trong nước trải qua những chấn động chưa từng có, nhiều vụ thao túng bị phanh phui, cơ quan quản lý rốt ráo ra chỉ đạo nóng.
Tay mơ nhận trái đắng
Dù không có số liệu, thống kê nào đo đếm được số lãi, lỗ của nhà đầu tư thời gian qua, nhưng soi vào các diễn đàn chứng khoán hằng ngày có thể thấy, tỉ lệ người thua lỗ đang nhiều hơn cả. Cú sụt hơn 20% từ đỉnh, khiến vốn hoá HoSE bốc hơi tới 1,128 triệu tỷ đồng cũng bào mòn tài khoản của phần lớn nhà đầu tư tham gia thị trường thời gian qua.
Cổ phiếu "nằm sàn" hàng loạt nhiều lần ám ảnh nhà đầu tư |
Trong một diễn đàn chứng khoán gần nửa triệu thành viên trên Facebook, bài đăng tìm “đồng đội” đang lỗ trên 50% của một nhà đầu tư nhận được hàng nghìn lượt tương tác. Không ít người chia sẻ đã lỗ hàng tỷ đồng, có những ngày, cả danh mục nằm sàn, chiếc ô tô tầm trung bốc hơi trong nháy mắt.
“Tôi liều chơi chứng khoán từ cuối năm 2021 đến nay, không có kiến thức, kinh nghiệm, mà chủ yếu nghe theo môi giới, ảnh hưởng bởi số đông để xuống tiền, rồi thắp nhang cầu may. Hiện, tôi lỗ 32%”, anh Bùi Trọng Hiếu (nhà đầu tư cá nhân) kể. Anh Hiếu thừa nhận, chưa hề đọc bất kỳ cuốn sách, tham gia khoá học nào về chứng khoán.
Cũng trong làn sóng dân văn phòng chơi chứng khoán, qua những buổi ăn trưa, cafe cùng đồng nghiệp, thấy nhiều người rủng rỉnh nhờ mua bán cổ phiếu, anh Nguyễn Văn Bình (nhân viên ngân hàng, Hà Nội) đã lao vào đầu tư. Làm việc ở mảng truyền thông, không có kiến thức tài chính, anh chọn cổ phiếu theo kiểu gần như phó mặc cho các nhóm "phím hàng". Tham gia 1 nhóm tư vấn trên Zalo, thấy môi giới khoe tài khoản, đi lệnh, xuống tiền thật, anh Bình tin tưởng giao dịch theo.
Khoảng 2 tháng đầu năm, anh Bình đầu tư có lãi, và cho biết, nhiều đồng nghiệp từng bàn nhau, có nên nghỉ việc để tập trung đầu tư chứng khoán. “Số lãi kiếm được trong phiên có khi cao hơn lương tháng của mình (12 triệu đồng). Thế nhưng, 3 tháng gần đây, càng gỡ càng lỗ", anh Bình kể. Anh cho biết, đồng nghiệp có ý định nghỉ việc để đầu tư chứng khoán toàn thời gian vừa qua cũng lỗ mất 4 năm lương cơ bản, và giờ từ bỏ suy nghĩ bỏ việc.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các môi giới chuyên nghiệp cũng có lúc trải qua thua lỗ, tới mức trầm cảm. Trong làn sóng đầu tư chứng khoán 2 năm qua, có sự tham gia sôi động của giới trẻ. Lĩnh vực chứng khoán, nghề môi giới cũng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, là miền đất hứa mang lại thu nhập cao, được nhiều bạn trẻ mơ ước.
Là một trong trưởng phòng trẻ tuổi nhất của công ty chứng khoán đang dẫn đầu thị phần môi giới, anh Nguyễn Minh Quang (Hà Nam) nhớ lại, cũng từng lỗ tới mức trầm cảm. Cuối năm 2017, anh Quang bắt đầu đầu tư chứng khoán, trải qua “cú sập” 2018 và nhiều lần giá cổ phiếu lên xuống, cậu sinh viên “tay mơ” quyết trung bình giá tới cùng, nhận về cái kết lỗ hơn 700 triệu đồng, thay vì chốt lời tỷ rưỡi nếu "lướt đi" trước đó.
Lỗ chồng lỗ vì chơi phái sinh
Hiện, nhiều nhà đầu tư thua lỗ chứng khoán cơ sở tìm sang phái sinh để gỡ gạc. Thanh khoản phái sinh tăng vọt, xác lập kỷ lục mới. Tháng 5 vừa qua, thị trường phái sinh ghi nhận phiên giao dịch có khối lượng giao dịch hợp đồng VN30 kỷ lục từ khi khai trương thị trường với 440.866 hợp đồng tại ngày 13/5. Không dùng phái sinh làm công cụ phòng thủ, nhiều nhà đầu tư quyết định tất tay theo lệnh “long”, “short” để gỡ gạc, dù mù mờ kiến thức.
“Nếu mua bán với tầm nhìn quá ngắn hạn và kỳ vọng mức lợi nhuận quá cao trong lúc điều kiện thị trường khó khăn thì nhà đầu tư sẽ khó có thể tránh khỏi tâm lý hoang mang khi vừa mua xong mà giá trị danh mục đã giảm 5 - 10%, thậm chí là 20%. Hậu quả nặng nề từ việc không quản trị rủi ro phù hợp (sử dụng margin, nắm giữ 100% cổ phiếu...), hoặc mua cổ phiếu mà không hiểu rõ về doanh nghiệp là nhà đầu tư sẽ có xu hướng rời bỏ thị trường trong thua lỗ và bỏ lỡ những nhịp phục hồi”. Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, người điều hành Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF), VinaCapital.
Anh Quang từng có thời gian như vậy. Anh gia nhập thị trường phái sinh với ý định gỡ gạc, nhưng tiếp tục lỗ 150 triệu đồng trong 3 tháng. Non kinh nghiệm, thiếu kiến thức, anh trả giá đắt 850 triệu đồng cho bài học chứng khoán đầu đời, và chỉ thực sự thay đổi mình qua vấp ngã, liên tục học hỏi.
Ở mỗi giai đoạn thị trường biến động, chuyên gia cho rằng, dù xu hướng lên hay xuống thì điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cần chú trọng quản lý rủi ro danh mục. Nhà đầu tư cần quan tâm tới yếu tố cơ bản, nền tảng và triển vọng doanh nghiệp để lựa chọn cổ phiếu, không hùa theo đám đông, mua bán bất chấp, theo lời đồn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng, xu hướng ngắn và trung hạn của thị trường vẫn còn đà giảm, có thể kéo VN-Index xuống 1.100 điểm. Cơ hội hiện nay chủ yếu dành cho nhà đầu tư dài hạn, còn nhà đầu tư ngắn và trung hạn đợi xu hướng thị trường tích cực và rõ ràng hơn để tham gia thì vị thế sẽ an toàn hơn.
Về tiêu chí chọn ngành, đầu tiên, nhà đầu tư cần quan tâm đến định giá, thứ hai là những nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố của chu kỳ kinh tế và lạm phát như sản xuất thực phẩm, bán lẻ, hóa chất, điện, nước...
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), khuyến nghị, nhà đầu tư nên hạn chế dùng margin cũng như bắt đáy, vì thời điểm này chưa biết đâu là đáy, nếu bắt đáy sai mà còn dùng margin thì nguy cơ thiệt hại rất lớn. Nhà đầu tư cần quan tâm tới yếu tố cơ bản, nền tảng và triển vọng doanh nghiệp để lựa chọn cổ phiếu.
Thị trường hồi phục, Mai Phương Thuý mong 'không gặp gấu'
Giữa lúc thị trường chứng khoán hồi phục trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới, 27/6, hoa hậu Mai Phương Thuý bất ngờ đăng status: “Thị trường này tôi chỉ có một mong ước: Không đi gặp gấu!!!”.
Theo TPO