Chùm ảnh: Các ông đồ vật vã, loay hoay vượt sát hạch
Được biết, ban đầu Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám định không tổ chức thi sát hạch đối với các thành viên thuộc câu lạc bộ thư pháp mà do họ tự tiến cử. Nhưng trước lo ngại sự đánh giá không khách quan nên tiếp tục tổ chức kỳ thi sát hạch lần 2.
Dù thời tiết lạnh nhưng khu vực thi, các ông đồ đủ mọi lứa tuổi, thành phần tham gia vẫn chen chúc làm phiếu đăng ký và thấp thỏm đợi chờ vào thi.
Thông tin từ ban giám khảo, cuộc thi gồm hai lĩnh vực thư pháp Hán – Nôm, thư pháp chữ Quốc ngữ với 50 đề thi chủ yếu có chủ đề mùa xuân, đạo đức giáo dục, danh ngôn… Thời gian cho các ông đồ hoàn thành bài thi trong vòng 15 phút.
Theo quy định, thí sinh không được tra từ điển, điện thoại hoặc “hỏi bài” người bên cạnh. Ai vi phạm sẽ bị đánh dấu xem xét huỷ bài thi.
Đúng 9h30, các ông đồ được chia làm nhiều đợt vào phòng thi, mỗi đợt thi gồm 16 ông đồ.
Trong phòng thi, không khí trở nên căng thẳng khi nhiều ông đồ tỏ ra loay hoay, thậm chí giở từ điển, điện thoại ra để tra kiếm hoặc hỏi người thi bên cạnh, trong khi đội ngũ giám thị vất vả liên tục nhắc nhở.
Một điều đáng buồn là có không ít ông đồ bị đánh dấu bài bằng một vết mực lên góc bài thi. Do nhiều ông đồ phạm quy, nhà thư pháp Lê Quốc Việt, thành viên ban giám khảo chấm Hán – Nôm đồng thời làm giám thị phòng thi phải thốt lên: “Các bác ôn luyện, viết cả chục năm rồi sao giờ còn phải xem lại”.
Sau nửa thời gian thi ông đồ này vẫn loay hoay chưa viết được chữ gì. Khi hết giờ, mọi người đã ra khỏi phòng thi, ông vẫn chưa thể hoàn thành bài thi của mình |
Ông Việt cũng chia sẻ, đề thi sẽ có từ 1 đến 2 chữ ít dùng để kiểm tra về vốn từ của người thi bởi phải là những ông đồ hiểu chữ mới có thể giải thích đúng, cặn kẽ cho người đi xin chữ.
Trong phòng thi đã thế, ngoài phòng thi không khí cũng “rộn ràng” không kém khi những ông đồ chưa thi chen chân, rướn cổ cố ngó qua khe cửa phòng thi để nghe ngóng. Những người thi xong thì rôm rả bàn tán về bài làm của mình với đồng nghiệp.
Qua chia sẻ, nhiều ông đồ cho rằng việc tổ chức thi như thế này là quá gấp, khiến họ chưa kịp chuẩn bị tốt nhất về tinh thần cũng như kiến thức.
“Nếu tổ chức thi phải phát đề cương trước và nội dung thi chỉ trong đề cương đó thôi. Chữ Hán – Nôm có hàng vạn chữ, sao chúng tôi nhớ hết được, không nhớ giở sách ra xem là đương nhiên”, một ông đồ nói.