Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia: Nhiều trường mở lớp buổi đêm
Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (TPHCM) trong một buổi tư vấn tuyển sinh |
Dù mới qua nửa học kỳ nhưng học sinh khối 12 đã phải căng mình cho việc ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Với 3 môn thi chính: Văn, Toán, Ngoại ngữ, 1 môn tự chọn, cùng 1 môn theo phương án tuyển sinh riêng của trường ĐH mà mình đăng ký; việc ôn tập của các học sinh năm nay xem ra không hề đơn giản.
Điều chỉnh, tăng tiết
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GDĐT, đề thi THPT quốc gia sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014; nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12 và sẽ bao gồm các câu hỏi từ dễ đến khó để phân hóa trình độ thí sinh.
Theo các trường THPT, định hướng trên của Bộ vẫn chưa rõ ràng khiến cả giáo viên và học sinh đều thấy khó khăn khi triển khai ôn tập. Mặc dù vậy, khi năm học mới vừa bắt đầu, hầu hết các trường đã triển khai công tác ôn tập cho học sinh.
Trường THPT tư thục Nhân Việt (quận Tân Phú, TP.HCM) đã tổ chức khảo sát năng lực cho học sinh khối 12, cho các em đăng ký môn tự chọn, đồng thời lên kế hoạch tăng số tiết cho các môn bắt buộc và căn cứ vào tỷ lệ đăng ký môn tự chọn của học sinh để phân lớp và điều chỉnh số tiết.
Ngay từ đầu năm, trường đã thành lập Hội đồng khảo thí, tiến hành kiểm tra phân loại học sinh và lên kế hoạch ôn tập cụ thể, tăng tiết cho các môn thi bắt buộc như môn Toán tăng từ 5 tiết lên 12 tiết/tuần; môn Văn và Ngoại ngữ cũng tăng từ 4 tiết lên 10 tiết/tuần.
Vì là trường nội trú nên ngoài thời gian học chính trên lớp, THPT Nhân Việt còn tổ chức học thêm cho các em vào buổi tối và lên kế hoạch ôn tập, hướng dẫn cho học sinh tự học theo hướng đề mới do trường tự soạn ra.
Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM) cũng đã tiến hành kiểm tra phân loại học sinh khối 12 từ đầu năm. Những học sinh yếu được mở lớp phụ đạo để giáo viên kèm cặp, đồng thời mở lớp bồi dưỡng cho những học sinh có học lực giỏi. Ngoài việc học chính khóa nhà trường mở lớp học thêm vào buổi tối cho những học sinh có nhu cầu và hướng dẫn các em học theo hướng đổi mới của Bộ.
Thầy Lê Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) cho biết, ngoài thời gian học chính khóa, trường đã tổ chức lớp học thêm cho học sinh đăng ký. Chủ yếu các em vẫn đăng ký học theo các khối thi truyền thống, vì chưa có quy chế tuyển sinh của Bộ nên trường vẫn chưa thực hiện việc ôn trước cho học sinh.
Nhiều trường khác như THCS – THPT Hồng Hà (Gò Vấp), THPT Bình Phú (quận 6), THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình)… cũng đã tăng tiết đối với những môn thi chính và cho học sinh ôn thi theo xu hướng mới của kỳ thi năm nay.
Học sinh lo lắng, trường sốt ruột
Hầu hết lãnh đạo các trường THPT đều thấy sốt ruột vì đến thời điểm này Bộ vẫn chưa đưa ra quy chế cụ thể và các trường ĐH vẫn chưa chốt hết phương án tuyển sinh. Chưa có quy chế nên mặc dù vẫn ôn tập nhưng các trường chưa biết phải đưa hướng học cụ thể như thế nào cho học sinh.
Các trường chủ yếu vẫn dạy theo chương trình khung của Bộ và cho học sinh học thêm, khi nào có đủ các thông tin từ Bộ và các trường ĐH, CĐ thì mới thực hiện được kế hoạch ôn tập theo kỳ thi chung.
Theo cô Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, các trường ĐH cần công bố sớm đề án tuyển sinh để học sinh có sự chuẩn bị về cả tinh thần lẫn kiến thức.
Các em học sinh khối 12 ngoài việc căng mình ra để học và ôn tập, còn phải lo lắng trước nhưng thông tin quá mới của kỳ thi năm nay. Em Hoàng Sơn, học sinh Trường THPT Ngô Thì Nhậm cho biết: “Chúng em có quá nhiều thứ phải lo lắng như ôn tập cho các môn chính, theo dõi đề án tuyển sinh riêng của trường ĐH mình định đăng ký dự thi, phương thức nộp hồ sơ như thế nào… Thông tin lại chỉ có nhỏ giọt nên tụi em cứ phải vừa học vừa theo dõi, rất căng thẳng và lo lắng”.
Em Hương Trà, học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám chia sẻ: “Những năm trước học sinh thi môn gì, khối nào của trường nào đều được ấn định ngay từ đầu, năm nay bọn em phải thi kỳ thi chung, dùng điểm thi để xét vào ĐH trong khi các trường ĐH vẫn chưa công bố phương án tuyển sinh khiến tụi em rất sốt ruột”
Trong khi đó, bộ phận tuyển sinh của nhiều trường ĐH cho biết, Bộ cần sớm đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho kỳ thi THPT quốc gia để các trường sớm chốt phương án tuyển sinh.
Dường như mục tiêu thực hiện một kỳ thi THPT quốc gia để giảm tải, giảm áp lực cho người học của Bộ GDĐT chưa thực sự hiệu quả khi các trường bối rối, học sinh lo lắng và áp lực học thêm, ôn thi chưa hề giảm.