Chưa chốt điểm xét tuyển NV1, thí sinh chưa thể biết đỗ hay trượt ĐH
Thí sinh ngoại tỉnh “cố thủ” ở Thủ đô chờ xét tuyển…
Còn một ngày nữa là kết thúc xét tuyển NV1. Thời điểm này ở các trường ĐH, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục nộp hồ sơ và xin thay đổi nguyện vọng ngày càng đông.
Em Phùng Thị Thu Uyên ra Hà Nội thuê phòng trọ |
Mấy ngày qua, em Phùng Thị Thu Uyên quê ở Hà Tĩnh, thuê một căn phòng trọ bên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội để ở tạm trong thời gian đợi chờ kết quả tuyển sinh của các trường. Uyên cho biết: “Em thấy điểm thay đổi liên tục và khó có khả năng đỗ vào trường ĐH Luật, nên ra trường Luật để rút hồ sơ nộp vào trường khác. Em phải từ ngày 14 để tìm hiểu các trường, thấy rất vất vả. Năm nay như thế này thì vất vả hơn các lần thi trước, làm khó cho các thí sinh quá”
Giống như em Uyên, thí sinh Nguyễn Vũ Hà Lê (ở Thanh Hóa đang thuê trọ ở cạnh trường ĐH Công Đoàn) cho biết: “Em ra Hà Nội từ ngày 17/8 và thuê một phòng trọ cạnh trường này “cố thủ” cho đến khi trường chốt danh sách xét tuyển nguyện vọng 1 rồi mới về quê. Hy vọng trường ĐH Công Đoàn chốt điểm em sẽ đỗ, nếu không lại phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 thì khổ lắm”.
Anh Nguyễn Đức Trung bỏ công việc để đi xem mức điểm của con mình. |
Anh Nguyễn Đức Trung (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi phải bỏ việc để đến trường Học viện Ngân hàng xem mức điểm của con mình có an toàn, đỗ vào trường hay không? Vì thí sinh được quyền rút trường này nộp trường khác nên thường xuyên thay đổi điểm dự kiến đỗ. Tôi rất lo lắng cho con”.
… vì điểm dự kiến đỗ tăng – giảm như sàn chứng khoán
Điểm đỗ dự kiến của các trường ĐH trong những ngày cuối xét tuyển NV1 luôn tăng – tuột khiến thí sinh, phụ huynh liên tưởng đến một sàn chứng khoán, biểu đồ hiển thị mức điểm dự kiến đang thay đổi liên tục. Nhiều phụ huynh và thí sinh đến các trường ghi chép, tính toán, cộng trừ để xem mức điểm của mình đang ở hình tháp nào? Những khuôn mặt mệt mỏi sau rất nhiều ngày chiến đấu với sự thay đổi của các mức điểm dự kiến.
Các phụ huynh liên tục ghi mức điểm đỗ dự kiến trên bảng thông báo điểm của từng ngành ở ĐH Kinh tế Quốc dân. |
Nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục nhận định, năm nay là năm đầu tiên thực hiện theo hình thức thi mới, cả thí sinh, phụ huynh và các trường đều bỡ ngỡ. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục gửi các công điện nhằm giải quyết những vấn đề xảy ra trong quá trình làm thủ tục như cho thí sinh được rút hồ sơ tại địa phương, gửi qua đường bưu điện…
Tuy nhiên, hầu hết các thí sinh đều đến trường để làm thủ tục, tránh những sai sót đáng tiếc mà không kịp thời gian sửa đổi. Giảm chi phí cho một kỳ thi dường như đổ bể. Tăng khả năng đỗ cho các thí sinh nhưng đổi lại là sự lo lắng kéo dài của các thí sinh trong cuộc chạy đua nộp và rút hồ sơ.
Bà Đỗ Thi Kim Hảo trao đổi với PV. |
Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng - Bà Đỗ Thị Kim Hảo cho biết: “Những em lo mình không đủ điểm đỗ thì sẽ rút hồ sơ ra, những em điểm cao hơn yên tâm mình đỗ thì nộp hồ sơ vào, chính vì có sự dao động như vậy nên làm nhiều em học sinh sẽ ở tình thế không biết chắc chắn khả năng đỗ của mình nên rất lo lắng”.