Chưa ai quản, thuốc lá thế hệ mới loạn hàng trôi nổi, xách tay
Trên thế giới, các quốc gia có các khung pháp lý riêng để quản lý, mục đích cuối cùng là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng đối với những sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.
Hút thuốc lá điện tử để… cai thuốc lá điếu truyền thống?
Thường xuyên tranh thủ các chuyến công tác nước ngoài hoặc nhờ người thân ở Anh “xách tay” thuốc lá điện tử về, đó là cách mà chị Mai Hương (43 tuổi, ở Hà Nội) áp dụng gần đây để “cai thuốc” cho chồng.
Nghe có vẻ “nghịch lý” song chị Hương quan niệm, thuốc lá điện tử dù đắt đỏ hơn nhưng sẽ bớt độc hại cho chồng chị cũng như ít ảnh hưởng tới các con nhỏ.
Sự thiếu hụt quy định đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đã dẫn đến “lỗ hổng pháp lý” với những sản phẩm này trên thị trường, khó kiểm soát hàng trôi nổi, không nguồn gốc.
Mố số ý kiến cho rằng, cũng được gọi là “thuốc lá” nhưng những sản phẩm thế hệ mới này lại có cơ chế hoạt động rất khác nhau. Ở thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử không diễn ra quá trình đốt cháy mà dùng sức nóng của nhiệt từ thiết bị điện tử để tạo ra làn hơi. Trong khi đó, đốt cháy để tạo ra khói là đặc điểm đặc trưng của thuốc lá truyền thống. Do không có quá trình đốt cháy, không tạo ra khói, nên hàm lượng các chất từ làn hơi thuốc lá thế hệ mới hoàn toàn khác với khói thuốc lá truyền thống, do vậy mức độ rủi ro cho sức khỏe của người tiêu dùng là khác nhau.
Theo tổng kết của Bộ Công Thương, việc xử lý vi phạm cho thấy mặt hàng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng trên thị trường hiện nay được đưa về Việt Nam qua đường nhập khẩu vì thương mại, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm không được kiểm soát dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Đây cũng là vấn đề về mặt chính sách cần được tháo gỡ.
Thực tế, đây không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Tại Mỹ, dù thuốc lá điện tử đã xuất hiện từ năm 2007 song Chính phủ Mỹ lại thiếu khung pháp lý riêng cho các dòng sản phẩm này. Chính sự thiếu hụt này đã dẫn đến tình trạng sử dụng sai mục đích và gây hậu quả không mong muốn.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu như Mỹ có hành lang pháp lý cho sản phẩm này thì sẽ tránh được hàng nghìn trường hợp suy hô hấp tổn thương phổi nặng, thậm chí khiến 39 người tử vong như vừa qua.
Không thả nổi cũng không cấm đoán, nước Anh duy trì việc công khai đối thoại doanh nghiệp trong vấn đề quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Nước này tách riêng các sản phẩm không khói ra khỏi thuốc lá đốt cháy và quản lý như sản phẩm tiêu dùng.
Với quan điểm “nicotin không phải là thuốc lá”, Vương quốc Anh thậm chí cho phép hút thuốc lá điện tử ở nơi công cộng, và cho phép nhà sản xuất chỉ mất 3 tháng đăng ký trước lưu hành và cấp phép. Kết quả, theo báo cáo của Viện Y tế Công Cộng Anh cho biết, ít nhất 20.000 người Anh đã bỏ được thuốc lá điếu mỗi năm thông qua việc chuyển sang dùng thuốc lá điện tử.
Cần khung pháp lý để quản lý
Ở Việt Nam, Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử. Theo bộ này, việc nghiên cứu xây dựng để ban hành khung chính sách quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là “cấp thiết”.
Bộ Công Thương cho rằng, cần có khung pháp lý, các quy chuẩn đối với những sản phẩm này để quản lý và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Về vấn đề chính sách quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, thành viên của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam mới đây cũng đề xuất cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đều cần phải trải quan giai đoạn thí điểm trước khi xây dựng khung pháp lý áp dụng cho dòng sản phẩm thế hệ mới này.
Theo nhận định từ các thành viên Hiệp hội, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này đều là sản phẩm ngoại nhập của các công ty nước ngoài. Những tác động kinh tế, xã hội của việc luật hóa dòng sản phẩm này cần được đánh giá một cách đầy đủ.