Chủ tịch VPBank báo tin vui, 'nợ' công bố tên ngân hàng nhận sáp nhập
Ngày 18/4 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Sẽ tăng trả cổ tức bằng tiền mặt
Tại đại hội, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank, đã báo tin vui cho cổ đông khi thông tin: Ngày 18/4, đối tác SMBC đã chuyển 10% giá trị cổ phần đã mua, tương đương 3.590 tỷ đồng. Phần còn lại, VPBank sẽ nhận sau khi hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật. Dự kiến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, các thủ tục sẽ hoàn tất, để đối tác chuyển tiền.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về thông tin VPBank tiếp nhận một ngân hàng yếu kém, ông Dũng cho hay: “Tại thời điểm ngày hôm nay, tôi chỉ có thể nói VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém. Ngoài ra, tôi chưa thể nói gì hơn”.
Đại hội đã thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2023. Tổng tài sản đạt 877.460 tỷ đồng (tăng 39% so với năm 2022). Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 518.192 tỷ đồng (tăng 41%). Dư nợ cấp tín dụng đạt 635.972 tỷ đồng (tăng 33%). Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng mẹ dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế đạt 24.003 tỷ đồng (tăng 13%).
Năm 2022, VPBank đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 16.908 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ dự trữ bắt buộc, Đại hội thông qua phương án dành 7.933 tỷ đồng tiền mặt để chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 10%. Đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm, VPBank trả cổ tức bằng tiền mặt. Phần lợi nhuận giữ lại để phục vụ hoạt động kinh doanh là 7.354 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Đại hội, ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank nói: “Tôi không nhớ lần gần nhất được nhận cổ tức bằng tiền mặt là năm nào. Nhưng tôi hy vọng, từ đây trở đi năm nào chúng tôi cũng được trình ĐHĐCĐ thông qua việc trả cổ tức bằng tiền mặt.”
Tại thời điểm cuối năm 2022, VPBank có vốn điều lệ lên tới 67.434 tỷ đồng. Giá trị vốn hóa của ngân hàng đã cán mốc 120.000 tỷ đồng, giữ vững vị trí ngân hàng tư nhân có mức vốn hóa lớn nhất Việt Nam.
Sau khi bán thành công 15% cổ phần cho đối tác chiến lược SMBC, vốn điều lệ mới của ngân hàng sẽ đạt mức 79.339 tỷ đồng. Quy mô vốn chủ sở hữu của VPBank sau đợt bán vốn cho SMBC sẽ tăng lên gần 140.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trên toàn hệ thống.
Tăng đầu tư vào chứng khoán, bảo hiểm
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, 2023 sẽ là năm ngân hàng tiếp tục mở rộng hoạt động dựa trên cơ sở nguồn vốn, đội ngũ nhân sự. Đặc biệt mở rộng phân khúc khách hàng, tăng đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm, phát triển hệ sinh thái số,…
“VPBank hiện là một trong ba ngân hàng cho vay bán lẻ lớn nhất trên thị trường, đồng thời là một trong ba ngân hàng mạnh trong cho vay phân khúc khách hàng cao cấp. Điều này cho thấy ngân hàng có sự đa dạng trong phân khúc khách hàng. Tới đây, ngân hàng tiếp tục mở rộng sang phân khúc khách hàng FDI và cũng đã thành lập Trung tâm khách hàng FDI”, ông Nguyễn Đức Vinh nói.
Tuy nhiên, ông Vinh đánh giá sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế trong quý I, thậm chí có thể sẽ chậm lại trong quý II sẽ là thách thức thực sự. Dù vậy, Ban điều hành vẫn không thay đổi tham vọng đề ra cho năm 2023 và đặt niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
“Nếu 6 tháng đầu năm chúng ta không đạt được chỉ tiêu, Ban lãnh đạo sẽ phải tìm mọi cách để bù đắp lại trong 6 tháng cuối năm. Nếu có khó khăn vướng mắc, Ban lãnh đạo sẽ trình HĐQT để điều chỉnh. Tuy nhiên vào thời điểm này, tôi khẳng định, Ban điều hành không thay đổi mục tiêu trong năm 2023”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, HĐQT của ngân hàng đã thông qua phương án tái cấu trúc Công ty Tài chính FE Credit để phát triển một cách dài hạn đối với công ty tài chính tiêu dùng này. CEO VPBank bày tỏ tin tưởng tài chính tiêu dùng trong 5-10 năm tới vẫn sẽ tiếp tục là một thị trường lớn mạnh, nhưng khẳng định sẽ tái cấu trúc công ty này một cách thận trọng.
Với việc “chốt deal” với đối tác chiến lược SMBC, ĐHĐCĐ đã nhất trí thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của ngân hàng từ 17,642% lên mức 30% để thực hiện việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Sau khi chính thức sở hữu 15% vốn điều lệ mới của VPBank, đối tác SMBC sẽ cử một người đại diện vào HĐQT của ngân hàng, đồng thời Ban kiểm soát (BKS) cũng sẽ được bầu bổ sung thêm một thành viên.
Theo đó, HĐQT của ngân hàng có 6 thành viên và BKS có 4 thành viên. Việc bầu bổ sung thành viên HĐQT và BKS sẽ được thực hiện tại cuộc họp ĐHĐCĐ gần nhất sau khi SMBC trở thành cổ đông chính thức của VPBank, cũng như phụ thuộc vào sự chấp thuận từ NHNN.
Đại hội lần này cũng thống nhất việc chính thức miễn nhiệm chức danh thành viên BKS đối với bà Nguyễn Thị Mai Trinh theo đơn từ nhiệm gửi HĐQT từ tháng 12/2022.
ĐHĐCĐ VPBank cũng thông qua mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS năm 2023, tương đương bằng 0,5% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng. Tỷ lệ này không đổi kể từ năm 2019.
Như vậy, trong trường hợp ngân hàng đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 24.003 tỷ đồng, thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS sẽ là 120 tỷ đồng.
Ngọc Tuân