Chủ tịch TP.HCM: "Tới năm 2020 không biết lấy đâu ra đất để xây trường học"
Theo những báo cáo gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết năm học 2015 – 2016 TP sẽ đưa vào sử dụng nhiều ngôi trường mới với các phòng chức năng đồng bộ, hiện đại. Ngoài ra nhiều phòng học cũng được xây dựng bổ sung. Tổng cộng TP sẽ có thêm 1.537 phòng.
Học sinh xếp hàng thi tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM. |
Cũng theo Sở thì tính đến tháng 6/2015 TP đã đầu tư khởi công 270 dự án và chuẩn bị đầu tư khoảng 2.000 tỷ cho các dự án tiếp theo. Trong khi đó số tiền của các quận huyện, khối trường bỏ ra mua sắm trang thiết bị mới cho năm học này đã là hơn 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên những con số nêu trên vẫn là chưa đủ để giải quyết chỗ học cho số học sinh đang tăng lên rất nhanh, đặc biệt là tại các quận vùng ven.
Liên quan đến vấn đề này, trong buổi họp của HĐND ông Quân cho biết hiện rất lo khi số học sinh tăng cơ học năm nay lên đến 85.000 em. “Nếu đến năm 2020 vẫn tăng với tốc độ như thế này thì không biết lấy đâu ra đất để xây trường học”. – ông Quân chia sẻ.
Theo ông Quân, quận Bình Tân khi mới tách vào năm 2003 chỉ có 313.000 dân thì đến nay đã thành 700.000, mỗi phường tại đây trung bình có tới 70.000 dân nên áp lực dân số rất lớn.
Tại quận này từ nhà trẻ đến trung học phổ thông quận có khoảng 95.000 em. Riêng năm nay quận phải chuẩn bị chỗ học cho 7.000 em, dù các em không có hộ khẩu tại đây. Số giáo viên đảm nhận việc dạy học cho 7.000 em này là mới hoàn toàn.
Trong khi đó tại huyện Bình Chánh thì hiện nay dân gốc đã trở thành thiểu số. Khi tách ra nơi này có 253.000 dân nhưng hiện tại đã là 600.000. Riêng số dân tại hai phường Vĩnh Lộc A, Vinh Lộc B đã là 200.000 – tương đương dân số của một huyện đông dân.
“Đây là vấn đề TP hết sức băn khoăn, bởi Bộ Nội vụ thì đề nghị giảm biên chế còn bộ Giáo dục và Đào tạo thì xin tăng biên chế, trong khi Bộ Chính trị yêu cầu không tăng biên chế. Chỉ mỗi cái “chế” đó thôi đã mệt rồi”. – ông Quân pha chút hài hước để nói nên thế khó của TP.HCM.
Trở lại vấn đề, ông Quân cho biết điều mình lo nhiều nhất là lực lượng giáo viên sẽ được đảm bảo như thế nào.
“Trao đổi thì các đồng chí bên Sở cho biết có thể ráng gồng gánh bố trí để đảm bảo trong năm nay, nhưng về lâu dài với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì sẽ trở thành bài toán rất khó”. – ông Quân nói.
Cũng theo vị Chủ tịch UBND TP thì trong 5 năm vừa qua chỉ tính riêng ngân sách nhà nước đã đầu tư để xây dựng 8.000 phòng học và chỉ giáo dục, y tế đã chiếm 70% chi thường xuyên của TP.HCM.