Chủ tàu cá bị đâm chìm tố cáo tội ác của TQ trên truyền hình Nhật

Đó là phát biểu của bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90152 (Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm, khi PV Takeshi Mine của Fuji TV, hãng truyền hình tư nhân lớn nhất Nhật Bản, phỏng vấn bà và các ngư dân vào sáng 1/6

“Tôi không nghĩ người trên tàu vỏ sắt là ngư dân Trung Quốc!”

Vừa từ vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đang hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, trở về Đà Nẵng ngày 31/5, sáng nay 1/6, PV Taheshi của Fuji TV đã tìm đến nhà bà Huỳnh Thị Như Hoa (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) để gặp gỡ vợ chồng chủ tàu cùng các ngư dân tàu cá ĐNa 90152 vừa bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm chiều 26/5.

Chủ tàu cá bị đâm chìm tố cáo tội ác của TQ trên truyền hình Nhật - ảnh 1

PV Takeshi Mine của Fuji TV, hãng truyền hình tư nhân lớn nhất Nhật Bản, trao đổi với vợ chồng bà Huỳnh Thị Như Hoa sáng 1/6 về vụ tàu cá ĐNa 90152 bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm (Ảnh: HC)

Sau khi thuật lại từ đầu đến cuối vụ hàng chục tàu vỏ sắt Trung Quốc vây hãm, truy đuổi hai tàu ĐNa 90152 và ĐNa 90508 đang hoạt động bình thường, hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam, trong đó tàu mang số hiệu 11209 đâm hai nhát chí mạng vào mạn phải và mạn trái đuôi tàu khiến tàu cá ĐNa 90152 bị lập úp, nửa chìm nửa nổi, thuyền trưởng Đặng Văn Nhân bức xúc nói:

“Sau khi tàu bị đâm chìm, cả 10 anh em chúng tôi đều bị rơi xống biển, trong đó có hai người bị thương. Thường thì khi hành nghề trên biển, thấy có ngư dân dù của bất cứ nước nào bị nạn thì các tàu cá đều ra sức cứu giúp. Đằng này các tàu vỏ sắt Trung Quốc không chỉ đâm chìm tàu của chúng tôi mà khi chúng tôi rơi xuống biển thì họ chỉ đứng nhìn. Không những thế, khi tàu bạn của chúng tôi đến cứu vớt thì họ lại ra sức ngăn cản, đe dọa.

Tôi năm nay 42 tuổi, bắt đầu đi biển từ năm 17 tuổi. Suốt 25 năm hành nghề trên biển, nhất là trên ngư trường Hoàng Sa truyền thống của mình, tôi chưa từng chứng kiến một việc làm nào vô nhân đạo đến như vậy. Tôi không nghĩ những người trên những con tàu vỏ sắt đó là ngư dân Trung Quốc, bởi họ hành xử quá dã man, chẳng khác gì muốn giết chúng tôi!”.

Chủ tàu cá bị đâm chìm tố cáo tội ác của TQ trên truyền hình Nhật - ảnh 2

PV Takeshi Mine quay lại hình ảnh cuối cùng mà bà Huỳnh Thị Như Hoa chụp được về con tàu ĐNa 90152 khi đang kéo về Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên (28 tuổi, hoa tiêu tàu ĐNa 90152) chỉ cho PV Takeshi Mine thấy hàng loạt vết thương, vết rách trên mặt, trên tay, nhất là ở hai chân và cho biết, khi tàu ĐNa 90152 bị đâm chìm, anh cùng một ngư dân nữa bị mắc kẹt trong cabin. Lúc đó anh hết sức hoảng loạn vì tàu bỗng dưng bị dựng ngược lên, nước ập vào khiến anh tối tăm mặt mũi, đầu bị đập mạnh vào thành tàu.

Nhờ có vệt sáng chiếu qua ô cửa cabin nên anh nhận ra và phá cửa kính để chui ra. Vừa phá cửa kính thì nước từ bên ngoài tràn vào khiến anh chìm sâu xuống. Sau khi vào đầy cabin, nước lại tràn ra. Anh theo dòng nước chui qua ô cửa vừa phá để ra ngoài. Chui mới được nửa người thì nước lại tràn ngược vào khiến anh bị mắc kẹt giữa ô cửa đầy những mảnh kính vỡ lởm chởm và tưởng mình đã chết.

“Sau vài lần như thế tôi mới lựa được con nước để chui thoát ra ngoài. May mà có anh em dìu, nếu không thì tôi chìm vì quá mệt. Thực sự cũng may là tàu bị đâm vào lúc chiều, trời còn sáng, chứ nếu bị đâm vào khoảng 6 – 7 giờ tối thì tôi chết chắc rồi vì không còn thấy đường nào để chui ra hết. Không thể nói khác hơn là họ đã cố tình giết chúng tôi!” – anh Nguyễn Huỳnh Bá Biên thuật lại với PV Takeshi Mine của Fuji TV.

Chủ tàu cá bị đâm chìm tố cáo tội ác của TQ trên truyền hình Nhật - ảnh 3

PV Takeshi Mine phỏng vấn thuyền trưởng Đặng Văn Nhân (Ảnh: HC)

Mong được giúp đỡ, hướng dẫn để kiện Trung Quốc

Bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90152 mở điện thoại di động, đưa cho PV Takeshi Mine xem tấm hình bà chụp chiếc tàu này chỉ còn nổi mũi tàu lên khỏi mặt nước, đang được tàu vận tải VT 57 kéo về Đà Nẵng. Bà kể, sau khi tàu ĐNa 90152 được kéo từ vùng biển Hoàng Sa về đảo Lý Sơn chiều 29/5, đến trưa 30/5 bà nhận được tin tàu VT 57 tiếp tục kéo con tàu của mình về gần đến Đà Nẵng.

Quá nóng ruột muốn được nhìn thấy con tàu thân yêu của mình lần cuối, chưa đợi tàu về đến Đà Nẵng, vợ chồng bà đã thuê riêng một chiếc tàu chạy ra biển. Bà không biết lúc đó tàu ĐNa 90152 còn cách Đà Nẵng bao nhiêu hải lý nhưng phải đi ròng rã hai tiếng đồng hồ, hai người mới gặp được con tàu chỉ còn nhô được mũi tàu lên khỏi mặt nước chưa tới 1m.

Bà Như Hoa bức xúc: “Lúc đó tôi quá đau lòng. Đây là con tàu đầu tay giúp vợ chồng tôi nên cơ nghiệp, quá gắn bó với vợ chồng tôi và anh em bạn tàu. Hồi siêu bão Chanchu làm chìm hàng chục tàu, chết và mất tích hàng trăm ngư dân Đà Nẵng, tàu này rơi vào tâm bão nhưng vẫn may mắn thoát nạn. Đến bão số 2/2013, nó lại rơi vào tâm bão, chết máy nhưng vẫn cố về được đất liền. Bây giờ trời yên biển lặng thì lại bị tàu Trung Quốc đâm chìm như thế này. Thực sự tàu Trung Quốc còn hơn ác cả bão Chanchu nữa!”.

Chủ tàu cá bị đâm chìm tố cáo tội ác của TQ trên truyền hình Nhật - ảnh 4

và quay cận cảnh những vết thương trên người ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên (Ảnh: HC)

Bà cho biết, hiện tàu ĐNa 90152 đã được vào gần sát bờ và các cơ quan chức năng đang tính toán phương án trực vớt. Nhưng do chiếc tàu vỏ gỗ này đã bị đâm nát ở cả hai phía, chìm xuống nước nhiều ngày và phải để như thế kéo đi cả trăm hải lý nên trục vớt lên thì chắc cũng vỡ ra từng mảnh chứ chẳng hy vọng gì khôi phục lại được. Tổng thiệt hại tài sản của bà vào khoảng 5 tỉ đồng. Nhưng hơn thế nữa là công ăn việc làm của cả chục ngư dân trên tàu và đời sống của gia đình họ trong những tháng ngày sắp tới.

“Lúc này đang là mùa cá nam, có khi ngư dân đi vài chuyến mùa này là đủ sống cả năm. Nhưng bây giờ tàu chìm, có vớt lên sửa chữa hay đóng lại tàu mới thì cũng phải mất 4 – 5 tháng. Khi đó đã vào mùa mưa bão, không còn làm ăn gì được. Nghĩa là họ mất gần như cả năm phải ngồi không. Vợ chồng tôi còn có thể cầm cự được chứ họ thì lấy gì nuôi vợ con. Nên tôi rất mong Hội Nghề cá Việt Nam, Hội Nghề cá Đà Nẵng và các cơ quan chức năng giúp đỡ, hướng dẫn thủ tục để tôi kiện Trung Quốc, buộc phải bồi thường cho tôi, mà phải bồi tường sớm để chúng tôi tiếp tục làm ăn, sinh sống!” – Bà Như Hoa nói.

Hung hăng gây căng thẳng trên một vùng biển đẹp là không phù hợp!

Ống kính của PV Takeshi Mine rất nhiều lần quay cận cảnh những vết thương trên người ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên hay những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt mệt mỏi, hốc hác của bà chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa. Đã vài lần anh định kết thúc nhưng khi nghe người cùng đi là anh Phan Đình Anh Khoa, Giám đốc sáng tạo của Công ty truyền thông Zoom (TP.HCM) phiên dịch lại lời trò chuyện của bà Hoa và các ngư dân thì anh lại mở máy, tiếp tục ghi nhận, phỏng vấn. 

Đặc biệt, PV Takeshi Mine tỏ ra rất quan tâm đến việc trong thời gian sắp tới các ngư dân tàu ĐNa 90152 sẽ làm gì để sinh sống khi con tàu đã bị đâm chìm và hầu như không thể sửa chữa lại được nữa. Bởi vậy, khi nghe bà Hoa nói về chuyện sẽ khởi kiện đòi Trung Quốc phải bồi thường thì anh dường như không kìm được mà “ồ” lên một tiếng thật to!

Chủ tàu cá bị đâm chìm tố cáo tội ác của TQ trên truyền hình Nhật - ảnh 5

Dẫu rất khách quan thìPV Takeshi Mine cũng xác nhận tàu Trung Quốc đã rất hung hăng, gây căng thẳng trên vùng biển Hoàng Sa (Ảnh: HC)

Trao đổi với Infonet, Takeshi Mine cho biết, anh là PV một hãng truyền hình tư nhân nên về nguyên tắc không nói bên nào tốt, xấu mà chỉ phản ảnh sự việc một cách trung thực, khách quan. Dẫu vậy, anh cũng bày tỏ: “Khi ra nơi Trung Quốc đặt giàn khoan, tôi thấy vùng biển Hoàng Sa rất đẹp, nước trong vắt có thể nhìn thấy cá. Nhưng lúc đó có rất nhiều tàu Trung Quốc tỏ ra rất hung hăng, tạo nên không khí hết sức căng thẳng. Những hành động như vậy rất không phù hợp trên vùng biển đẹp đến thế. Nên tôi mong muốn vụ việc mau chóng được giải quyết để trả lại sự đẹp đẽ vốn có của vùng biển này!”.

Trước đó, ngày 31/5, đoàn phóng viên các hãng thông tấn CNN, VIET Weekly (Mỹ), Ashahi Shimbun, Yomiuri Shimbun (Nhật Bản)... vừa trở về sau khi tham gia đoàn báo chí ghi nhận thực địa từ vùng biển Hoàng Sa cũng đã đến gặp vợ chồng bà Huỳnh Thị Như Hoa và các ngư dân tàu ĐNa 90152 để tìm hiểu về vụ tàu này bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cho biết, hiện có rất nhiều phóng viên của các hãng thông tấn, báo chí, truyền hình quốc tế có mặt tại Đà Nẵng. Hội cũng đã đề xuất lãnh đạo TP về việc đẩy nhanh tiến độ trục vợt tàu ĐNa 90152, lựa chọn địa điểm đưa vào bờ và tổ chức họp báo quốc tế về vụ tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm tàu cá này. Hiện Hội Nghề cá Đà Nẵng đang chờ sự phản hồi của các cơ quan chức năng về đề xuất nêu trên.

HẢI CHÂU

Đồn Biên phòng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.

Nghệ An: Duy trì 4 tổ công tác liên ngành kiểm soát nghề cá

Bốn tổ công tác liên ngành được bố trí tại 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Hà Tĩnh: Kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác hải sản trái phép

Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.

Tuyên truyền chống khai thác IUU ở huyện ven biển duy nhất Ninh Bình

Huyện Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển nên việc tuyên truyền chống khai thác IUU luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Hà Tĩnh: Những thách thức và giải pháp trong chống khai thác IUU

Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.

Lồng ghép tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân vùng biển

Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Nghệ An: Nỗ lực tuyên truyền chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn để ngư dân vươn khơi

Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghệ An: 100% chủ tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Nghệ An: Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản

Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.

Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Đang cập nhật dữ liệu !