Chồng con hút thuốc lá, người phụ nữ mắc ung thư phổi
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nữ bị ung thư phổi và khi được hỏi thì đa số trong họ có người thân chồng và con hút thuốc.
Ung thư do hút thuốc thụ động
Trường hợp của bà Đỗ Thị H. 57 tuổi, trú tại Hà Tĩnh là điển hình. Bà H. đến khám vì đau tức ngực, ho kéo dài.
Bệnh khởi phát từ tháng 3 năm 2018 với triệu chứng ho kéo dài, đau ngực phải, thỉnh thoảng có cơn co giật cục bộ vùng mặt.
Bệnh nhân đi khám tại bệnh viện tỉnh và được chụp CT lồng ngực. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai để chẩn đoán và điều trị.
Khám lâm sàng lúc nhập viện tại bệnh viện Bạch Mai, cho thấy: thể trạng tốt, cao 1m58, nặng 55kg, KPS 1 điểm, tỉnh táo hoàn toàn. Ho khan, đau nhẹ ngực bên phải, đau đầu. Bệnh nhân không khó thở và không liệt vận động. Nghe tim phổi bình thường. Không sốt, không sờ thấy hạch ngoại vi.
Chồng con hút thuốc lá, người phụ nữ mắc ung thư phổi |
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán và tiên lượng điều trị. Kết quả các xét nghiệm về tế bào máu, chức năng gan thận trong giới hạn bình thường. Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu cho thấy CEA tăng 21ng/ml, Cifra 21-1 là 8ng/ml.
Sinh thiết khối u phổi phải dưới hướng dẫn của CT Scanner cho kết quả mô bệnh học là ung thư biểu mô tuyến của phổi. Sau đó mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Đơn vị Gen và Tế bào gốc Trung tâm YHHN&UB, bệnh viện Bạch Mai để phân tích đột biến. Kết quả phân tích gen cho thấy có đột biến mất đoạn trên exon 19 của gen EGFR (Epidermal Growth Factor Receptor).
Bệnh nhân được chẩn đoán xác định: ung thư phổi phải dạng biểu mô tuyến có đột biến EGFR di căn hạch trung thất, di căn não đa ổ (giai đoạn 4: T2N2M1).
Các bác sĩ đã cho bệnh nhân điều trị ban đầu để kiểm soát triệu chứng bằng các thuốc chống phù não (manitol, corticosteroid), giảm đau và chống động kinh, an thần.
Tiếp theo, điều trị xạ phẫu 2 khối u di căn não bằng dao gamma quay liều 18Gy, sau khi đã thông qua Hội đồng hội chẩn xạ trị tại TT.YHHN&UB. Trong và sau xạ phẫu BN an toàn, không gặp biến chứng nào. Phối hợp điều trị toàn thân bằng nhóm thuốc phân tử nhỏ TKIs (Tyrosin Kinase Inhibitor), liều cụ thể: Erlotinib (Tarceva) 150mg/ngày.
Nhiều bệnh nhân sống cùng người hút thuốc
Theo GS Mai Trọng Khoa – Nguyên giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho hay ung thư phổi là một trong những hình thức ung thư phổ biến và gây tử vong nhiều nhất trên thế giới. Mặc dù bệnh thường gắn liền với việc hút thuốc lá, nhưng theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, có đến 20% số người chết vì ung thư phổi tại Hoa Kỳ mỗi năm chưa từng động đến thuốc lá.
PGS Khoa chia sẻ về tác hại thuốc lá thụ động với ung thư phổi |
Tại Việt Nam ung thư phổi đứng sau ung thư gan. PGS Khoa cho biết có tới 90 % bệnh nhân mắc ung thư phổi có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào đặc biệt là ở nam giới. Có những bệnh nhân đã hút thuốc lá 20 năm và khi bỏ thuốc được 1, 2 năm thì phát hiện ung thư.
Theo GS Khoa đến nay các bằng chứng đều chỉ ra rằng thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Tỉ lệ ung thư phổi tăng lên theo số năm hút thuốc và số lượng thuốc hút mỗi ngày. Tỉ lệ ung thư phổi ở người nghiện thuốc lá cao hơn rất nhiều. 90% các trường hợp ung thư phổi là ở người nghiên thuốc lá.
Trong khói thuốc lá có đến hơn 40 chất có khả năng gây ung thư đó là các Hydrocarbure thơm đa vòng (như: 3-4 Benzopyren, Dibenzanthracen), Polonium 40 và Sélénium trong giấy cuốn thuốc lá. Hút thuốc lá chủ động làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi lên 13 lần. Hút thuốc thụ động trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Chính vì thế, GS Khoa cho biết có nhiều người vào khám tại bệnh viện khi biết ung thư phổi họ đều không hút thuốc nhưng kiểm tra tiền sử người thân thì có người phụ nữ thường xuyên được hút “ké” của chồng con và tiếp xúc thụ động nhiều năm liền gây ra ung thư phổi.
Nghiên cứu chỉ ra rằng sống cùng một người hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phôi từ 20%-30%. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc tiếp xúc với khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khác ít nhất là 30%. Có thể bao gồm một số loại ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư thận, ung thư vòm họng, ung thư trực tràng và khối u não.
Khánh Chi