Cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán tăng mạnh
Cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán bất ngờ tăng mạnh
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2022, tăng 10,49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, góp phần đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Dù vậy, trong 2 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản và đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng trưởng lần lượt là 6,45% và 13,39%, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế VAT về 8%
Chính phủ vừa đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% về 8% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Trong nghị quyết ban hành ngày 2/5, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng tiếp chính sách này năm nay là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và đóng góp trở lại ngân sách.
Ngân hàng đồng loạt giảm tiếp lãi suất tiết kiệm sau nghỉ lễ
Ngày sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, một số ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động. Cụ thể, ngày 5/5, BacA Bank điều chỉnh giảm 0,2-0,3% lãi suất huy động ở các kỳ hạn trên 5 tháng. Trước đó, ngày 4/5, có 3 ngân hàng giảm lãi suất huy động các kỳ hạn trên 5 tháng gồm: NamA Bank, KienLong Bank và Saigonbank.
Theo đó, NamA Bank giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,2% đối với các kỳ hạn; KienLong Bank giảm 0,2%; trong khi Saigonbank giảm từ 0,2-0,4%.
Lãi suất huy động 6 tháng hiện nay cao nhất là ABBank, OCB, VietBank với 8,5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành để giảm lãi suất
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp các doanh nghiệp trong việc sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm.
Theo Phó Thống đốc, tốc độ giảm lãi suất cho vay cũng như huy động khá tích cực trong 4 tháng đầu năm.
Thu ngân sách nhà nước đạt 39,8% dự toán
Ngày 5/5, Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt ước đạt 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán, bằng 95% so cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, dù số thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán nhưng số thu hàng tháng có xu hướng giảm (thu tháng 1 đạt 14,7%; tháng 2 đạt 7,7%; tháng 3 đạt 8,9%; ước thực hiện tháng 4 đạt 8,6% dự toán).
Bố trí hơn 59.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở từ 1/7
Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ đề xuất với Quốc hội bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho việc tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ 1/7/2023.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, các cơ quan đã bố trí hơn 59.000 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn lực tăng lương từ 1/7/2023.
Bộ Tài chính lấy ý kiến về đề xuất giảm 35 khoản phí, lệ phí
Bộ Tài chính vừa có công văn số 4296/BTC-CST gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc rà soát đề xuất giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2023, Bộ đề xuất tiếp tục giảm mức thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí. Thời gian áp dụng từ 1/7 đến hết 31/12/2023.
Giá điện tăng từ 4/5
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có Quyết định số 377/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023.
Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá cũ. Giá cũ là 1.864,44 đồng/kWh.
Chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt
Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Trong đó, bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc với giá 0 đồng là: Ngân hàng Xây dựng - CBBank, Ngân hàng Đại Dương - OceanBank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP Bank) và Ngân hàng Đông Á.
Đối với trường hợp NHTMCP Sài Gòn (SCB) được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, đến nay, hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định; không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB.
Hạnh Nguyên