Chính thức mở cuộc thi thiết kế Nhà Trưng bày Hoàng Sa
Thi tuyển rộng rãi trong và ngoài nước
Theo đó, được UBND TP Đà Nẵng giao thực hiện đầu tư xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc nhằm tìm kiếm phương án tốt nhất, đáp ứng tối đa các yêu cầu về tư tưởng, ý nghĩa công trình, thẩm mỹ, quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, công năng sử dụng, có tính khả thi cao, đồng thời lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế có năng lực cao nhất để thực hiện các bước tiếp theo.
Du khách trong và ngoài nước tham quan các tư liệu, hiện vật lịch sử trưng bày tại UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc dùngvũ lực xâm chiếm trái phép (Ảnh: HC) |
Cuộc thi do UBND huyện Hoàng Sa chủ trì phối hợp với Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng tổ chức theo hình thức thi tuyển rộng rãi với số lượng không hạn chế dành cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hành nghề tư vấn thiết kế kiến trúc, quy hoạch xây dựng đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Ông Lê Phú Nguyện, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa cho hay, công trình Nhà Trưng bày Hoàng Sa sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 685m2 nằm tại điểm tiếp nối đường Hoàng Sa – Lê Văn Thứ (thuộc khu dân cư An Cư 5, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hướng thẳng ra biển Đông. Với quy mô diện tích này, mật độ xây dựng yêu cầu không quá 40%; tầng cao xây dựng 2 – 3 tầng và tầng hầm (hoặc bán hầm).
Về tính chất công trình, Nhà Trưng bày Hoàng Sa là thiết chế văn hóa - lịch sử thuộc sự quản lý của UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng); là không gian trưng bày đa dạng về các hiện vật, hình ảnh, tư liệu lịch sử, pháp lý cũng như các cơ sở về lịch sử, chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, công trình phải đảm bảo chứa đựng nhiều giá trị phi vật chất, ý nghĩa biểu trưng sâu sắc.
Phương án thiết kế kiến trúc Nhà Trưng bày Hoàng Sa phải đạt được yêu cầu về tư tưởng, ý nghĩa của một công cộng, mang tính biểu tượng, thể hiện lịch sử chủ quyền và ý chí bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; thể hiện tư tưởng độc lập, tự chủ, tự cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời thể hiện Nhà trưng bày Hoàng Sa là công trình mang ý nghĩa lịch sử, chính trị nhằm tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Tạo dựng niềm tin trong lòng công chúng về sự hiện hữu của một phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam
Không gian trưng bày đa dạng, đặc sắc về Hoàng Sa
Theo nhiệm vụ thiết kế được Ban tổ chức đưa ra, tầng hầm (hoặc bán hầm) sẽ là kho tư liệu, xưởng phục chế; tầng 2 là khu hành chính. Đáng chú ý, tầng 1 của công trình sẽ là không gian trưng bày hệ thống các tư liệu bằng hình ảnh động và tĩnh hỗ trợ bởi kỹ thuật, mỹ thuật đa phương tiện như vidéo, kết hợp với hệ thống bản đồ, sa bàn tổng quan về vị trí địa lý tự nhiên, hành chính Hoàng Sa. Nội dung trưng bày tập trung vào giới thiệu các tài liệu về Hoàng Sa.
Trong đó, khu trưng bày thường xuyên (cố định) nhằm trưng bày tư liệu vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên về quần đảo Hoàng Sa; tư liệu về quần đảo Hoàng Sa phản ánh trong các thư tịch của các nước phương Tây; tư liệu về Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời Nguyễn; tư liệu về quần đảo Hoàng Sa trong thư tịch triều Nguyễn; tư liệu về quần đảo Hoàng Sa khoảng từ 1945 đến 1974 ở hai miền Nam – Bắc Việt Nam; tư liệu về quần đảo Hoàng Sa trong lịch sử Việt Nam hiện nay; tư liệu về tranh chấp quần đảo Hoàng Sa trong lịch sử các văn kiện của công pháp quốc tế về vấn đề này và Huyện Hoàng Sa: Những nhân chứng lịch sử; Cảm nghĩ của người Đà Nẵng về Hoàng Sa.
Tại tầng 1 còn có khu trưng bày ngắn ngày (chuyên đề) sẽ bố trí không gian tổ chức các đợt triển lãm theo chuyên đề phục vụ trong những ngày diễn ra các hoạt động sự kiện của đất nước. Tầng 3 của công trình sẽ là hội trường và không gian đa năng với nội dung trưng bày tập trung vào giới thiệu các tài liệu về Hoàng Sa thuộc các chủ đề trên và bố trí thêm hội trường (50 – 70 chỗ ngồi) và phòng đa phương tiện dùng để kết hợp sử dụng nhiều công năng chiếu phim tư liệu, trình diễn mô hình, truy cập tài liệu, dữ liệu, họp và hội thảo quy mô nhỏ.
Ngoài ra, phần diện tích không gian sân vườn xung quanh Nhà Trưng bày Hoàng Sa cũng được yêu cầu xem xét bố trí khu vực trưng bày ngoài trời: dùng để trưng bày hoặc tổ chức các hoạt động truyền thông theo chủ đề, chủ điểm hoặc theo nhóm du khách, tổ chức các hoạt động kỷ niệm, mitting…; khu cảnh quan để thể hiện các yếu tố đặc trưng về lịch sử, địa lý, tự nhiên quần đảo Hoàng Sa; khu dịch vụ hỗ trợ (bố trí không gian đặt các dịch vụ hỗ trợ du khách như quầy lưu niệm, giải khát, ATM… ).
Phương án tốt nhất sẽ được chọn xây dựng
Theo “đề bài” được Ban tổ chức cuộc thi đưa ra thì việc bố trí các không gian trưng bày thường xuyên phải đảm bảo tính liên tục, tuân thủ nguyên lý và dây chuyền tham quan. Hạng mục không gian ngoài trời đảm bảo tính mở và linh hoạt, đáp ứng các nội dung tham quan, tìm hiểu, khám phá, phục vụ các đối tượng khác nhau.
Lưu ý khoảng lùi của không gian trưng bày, đảm bảo tạo không gian cảnh quan phù hợp, đáp ứng nhu cầu tham quan với số lượng du khách vào từng thời điểm khác nhau có thể chênh lệch về số lượng từ vài chục đến hơn 100 người. Sử dụng phương án kiến trúc có mặt bằng sử dụng tối ưu, khai thác tối đa diện tích không gian sân vườn và hạn chế tối đa phần chiếm chỗ của nhà trưng bày trên khu đất có diện tích hạn chế;
Đồng thời lưu ý công trình xây dựng có 02 mặt tiền đường chính và 01 mặt tiền đường kiệt hẽm nên tận dụng tối đa vỉa hè để phục vụ du khách. Đảm bảo giải pháp kỹ thuật, hình thức kiến trúc, vật liệu hoàn thiện và các giải pháp thông gió chiếu sáng phù hợp với công trình xây dựng trong điều kiện chịu xâm thực của khí hậu biển.
“Yêu cầu cụ thể về tiêu chí thiết kế nhà trưng bày là phải ấn tượng về hình thức kiến trúc, mang ý nghĩa biểu trưng; tuân thủ cơ bản tiêu chí Kiến trúc xanh do Hội KTS Việt Nam quy định; tổ chức không gian đảm bảo khả năng khai thác hiệu quả, phục vụ mục đích chính trị và góp phần tạo điểm đến thú vị cho mục tiêu phát triển du lịch của địa phương; sân vườn ngoài trời thể hiện được mô hình quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; đảm bảo tính kinh tế trong xây dựng và khai thác. Các phương án mang tính thực tế, đáp ứng cơ bản các yêu cầu và tiêu chí, được ban giám khảo đánh giá cao nhất sẽ được chủ đầu tư ưu tiên lựa chọn triển khai thi công thực tế” – ông Lê Phú Nguyện cho hay.
Theo thể lệ cuộc thi, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia dự thi nộp sản phẩm dự thi kể từ ngày 18/11 đến 17h30 ngày 25/12/2013 theo địa chỉ: UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng (132 Yên Bái, Fax: 0511.3829900, điện thoại: 0511.3829559, Email: hoangsa@danang.gov.vn). Người liên hệ: Ông Lê Phú Nguyện, Trưởng phòng Công tác thanh niên Sở Nội vụ Đà Nẵng kiêm Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa, số điện thoại 0905323445.
Theo kế hoạch dự kiến, sau khi kết thúc thời hạn nhận sản phẩm dự thi (trước 17h30 ngày 25/12/2013), từ ngày 25 – 26/12, tổ thư ký sẽ tiến hành tổng hợp. Từ ngày 26/12/2013 đến 26/01/2014 sẽ tiến hành trưng bày triển lãm các đồ án dự thi. Từ ngày 27/12/2013 đến 15/01/2014, Hội đồng giám khảo làm việc. Giải thưởng dự kiến sẽ được công bố vào tháng 1/2014.