Chính sách tín dụng đối với người nghèo đã đi vào cuộc sống
Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác vừa diễn ra ngày 29/12 tại Hà Nội.
Sự kiện do Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: “Trải qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
“Hội nghị này là dịp để đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, làm cơ sở đưa ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”, bà Hồng nói.
Báo cáo tại hội nghị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng phấn khởi khẳng định: Trải qua 20 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30 nghìn tỷ đồng.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển. Qua đó tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng.
Đến 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhận định: Vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững theo chuẩn nghèo từng thời kỳ: Giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7% cuối năm 2005, bình quân giảm 2%/năm; Giai đoạn 2006 - 2010 từ 22% cuối năm 2005 xuống 9,45%, bình quân giảm 2,51%/năm; Giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%, bình quân giảm 2%/năm; Giai đoạn 2016 - 2020 từ 9,88% xuống 2,75%, bình quân giảm 1,43%/năm. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,23%.
Ngọc Mai