Chiến tranh Iran – Ả Rập Xê-út: Ai sẽ thắng?
Tên lửa Dong Feng - 21 Ả Rập Xê-út mua của Trung Quốc. |
Việc Ả Rập Xê-út xử tử 47 “phần tử khủng bố”, trong đó có giáo sỹ nổi tiếng Nimr al-Nimr đã đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông đến ranh giới một cuộc chiến tranh thực sự. Phản ứng mạnh mẽ của Chính phủ và người dân Iran (đại diện cho Hồi giáo dòng Shiite) là điều hoàn toàn có thể dự báo được từ trước.
Căng thẳng càng gia tăng khi một loạt nước Hồi giáo theo dòng Sunni như Ả Rập Xê-út, Bahrain, Sudan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, trong số này Ả Rập Xê-út và Bahrain còn hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay đến Iran.
Trên thực tế, chiến tranh giữa hai dòng Hồi giáo ở khu vực Trung Đông đã thực sự diễn ra từ trước sự vụ trên và chiến trường chính diễn ra cuộc chiến này là Syria, Iraq và Yemen. Tuy nhiên, sự vụ này khiến hai quốc gia được coi là đứng đầu hai dòng Hồi giáo tiến gàn hơn đến chiến tranh trực tiếp. Vấn đề được quan tâm là nếu khả năng này xảy ra, bên nào sẽ giành chiến thắng.
Ả Rập Xê-út - Người khổng lồ bằng đất sét?
Quân đội Ả Rập Xê-út được trang bị các loại vũ khí kỹ thuật quân sự hiện đại nhất trong khu vực với số lượng “đủ dùng”. Ngân sách quân sự của Ả Rập Xê-út đứng thứ tư trên thế giới, thường vào khoảng 60 tỷ USD với quân số 233 nghìn người.
Lục quân Ả Rập Xê-út được trang bị 450 xe tăng hiện đại M1A2 Abrams của Mỹ, gần 400 xe bọc thép tác chiến M2 Bradley, hơn 2.000 xe bọc thép và vận tải bọc thép, một số lượng lớn pháo phản lực và pháo nòng, trong đó có 50 tổ hợp pháo dàn M270.
Ngoài ra, Lục quân nước này còn được trang bị khoảng 60 tên lửa đạn đạo “Dong Feng-3” mua của Trung Quốc. Ban đầu, các tên lửa này dự định được sử dụng để trang bị thêm các đầu đạt hạt nhân có tầm bắn đến 2.500 km nhưng kế hoạch này thay đổi do độ chính xác của tên lửa này không cao.
Do đó, hiện có các tin đồn cho rằng Ả Rập Xê-út đang dự tính sẽ mua thêm các tên lửa hiện đại hơn kiểu “Dong Feng-21”.
Về Không quân, lực lượng này có trong trang bị 152 máy bay tiêm kích F-15 các biến thể khác nhau, 81 Tornado và 32 Eurofighter Typhoon do châu Âu sản xuất. Ngoài ra, Không quân nước này còn được trang bị nhiều máy bay được trang bị radar tầm xa và phần lớn máy bay vận tải-quân sự.
Lực lượng phòng không Ả Rập Xê-út cũng được trang bị khá mạnh với 16 tổ hợp phòng không bán kính hoạt động rộng PatriotPAC-2, nhiều tổ hợp Hawkи Crotale và hàng trăm tên lửa vác vai Stinger cùng với nhiều khí tài khác.
Hải quân Ả Rập Xê-út được chia thành 2 lực lượng: Hạm đội phía Tây ở Biển Đỏ và Hạm đội phía Đông ở Vịnh Persic. Tại Vịnh Persic, Ả Rập Xê-út có 3 tàu khu trục lớp AlRiyadh (phiên bản cải tiến từ tàu khu trục LaFayette của Pháp) được trang bị các tên lửa chống tàu Exocet MM40 block II với tầm bắn 72 km.
Ở Biển Đỏ, Ả Rập Xê-út có 4 tàu khu trục lớp Al Madinah với các tên lửa chống tàu Otomat Mk2 tầm bắn lên đến 180 km, 4 hải phòng hạm Badr do Mỹ sản xuất với các tên lửa chống tàu Harpoon.
Hải quân Iran được đánh giá mạnh nhất khu vực. |
Tàu đổ bộ có 8 chiếc với lượng lính có thể đổ bộ mỗi lần là 800 người. Ngoài ra, nước này còn sở hữu nhiều tàu tuần tiễu và tàu tên lửa bố trí đều cho các hạm đội.
Rõ ràng về trang bị, Quân đội Ả Rập Xê-út khá mạnh nhưng vẫn tồn tại một vấn đề lớn: Mặc dù được trang bị khá hiện đại và quân số không phải là ít nhưng trong vòng 10 tháng qua, Ả Rập Xê-út đã không thể có được những thành công thực sự trong chiến dịch quân sự tại Yemen dù đối thủ chỉ sử dụng những loại vũ khí lạc hậu.
Điều này cho thấy trên thực tế, khả năng tác chiến của Quân đội Ả Rập Xê-út và các nước đồng minh vẫn còn hạn chế.
Iran – Quân đội lớn nhất trong khu vực
Quân số của Quân đội Iran là 550 nghìn người - đông nhất tại khu vực Trung Đông. Ngân sách quân sự của Iran năm 2015 là 10 tỷ USD, một ngân sách khá khiêm tốn nếu so với quân số hiện có.
Lục quân Iran sở hữu hơn 1.600 xe tăng, trong đó có 480 xe tăng hiện đại Т-72Z và 150 tăng Zulfiqar do Iran tự sản xuất (chế tạo trên cơ sở Т-72 của Nga và M60 của Mỹ). Iran cũng sở hữu hàng trăm xe bọc thép tác chiến và xe bọc thép vận tải nhưng đều là các mẫu được trang bị từ thời Liên Xô. Pháo binh cũng trong tình trạng lạc hậu này.
Không quân Iran được trang bị khá nhiều máy bay các lớp khác nhau. Tuy nhiên, Iran hiện không có máy bay hiện đại. Do bị cấm vận kéo dài nên hiện chỉ có khoảng 50% máy bay trong trang bị Không quân Iran trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Iran cũng sở hữu các máy bay đánh chặn siêu thanh F-14 của Mỹ, các máy bay tiêm kích thế hệ cũ F-4 Phantom, F-5Tiger và Mirage-F1 (Pháp sản xuất) MiG-29, các máy bay cường kích Su-24, Su-25 (Liên Xô sản xuất). Tổng cộng Iran sở hữu khoảng 300 máy bay chiến đấu các loại.
Về Phòng không, Iran hiện đang tiến hành những thay đổi đáng kể với lực lượng này. Trước đây Iran chỉ trang bị cho lực lượng này các tổ hợp phòng không tầm gần Тоr-М1 nhưng hiện nay, Iran đã bắt đầu nhận được các tổ hợp phòng không hiện đại S-300 do Nga cung cấp. Do đó, về mặt này Iran không hề yếu thế so với Ả Rập Xê-út.
Hải quân Iran được đánh giá là hùng mạnh hơn so với Hải quân Ả Rập Xê-út. Hơn nữa, phần lớn tàu chiến của Hải quân Iran được bố trí ở Vịnh Persic và một số lượng nhỏ được bố trí ở biển Caspi.
Hải quân Iran có 3 tàu ngầm thuộc dự án 877 “Paltus”, 26 tàu ngầm cỡ nhỏ được trang bị mìn và ngư lôi, 5 tàu khu trục, 6 tàu hộ vệ tên lửa tự sản xuất, hơn 50 tàu hộ vệ tên lửa do Trung Quốc, Đức và Iran chế tạo. Đáng chú ý là trên tất cả các tàu tên lửa của Iran đều trang bị tên lửa chống tàu С-701 (tầm bắn 35 km) và YJ-82 (tầm bắn 120 km) do Trung Quốc sản xuất.
Tên lửa S-300 Iran mua của Nga. |
Như vậy, Iran có tiềm lực lớn hơn trong lĩnh vực hải quân so với đối thủ tiềm tàng Ả Rập Xê-út. Ngoài ra, do nhiều năm chịu lệnh cấm vận nên Iran đã tập trung phát triển hệ thống công nghiệp - quốc phòng riêng của mình nên có thể giúp Iran không phụ thuộc vào nguồn vũ khí nước ngoài.
Hơn nữa, chương trình tên lửa của Iran cũng đã đạt được bước tiến đáng kể- Iran đã sở hữu một loạt tên lửa đạn đạo tầm gần và tầm trung, các tên lửa có cánh. Tổng số lượng các tên lửa này khoảng từ 200-300 quả.
Kịch bản khả quan nhất – xung đột gia tăng ở Syria, Iraq và Yemen
Vị trí địa lý đang là yếu tố cản trở đối với khả năng đối đầu quân sự trực tiếp Iran-Ả Rập Xê-út do hai nước này không có chung đường biên giới. Do đó, khả năng lớn nhất là hai cường quốc Trung Đông này tăng cường sự hiện diện tại các chiến trường Syria, Iraq và Yemen.
Đối với Ả Rập Xê-út, Yemen có thể trở thành “điểm yếu” cho dù Ả Rập Xê-út đã cử đến đây 150 nghìn quân, 185 máy bay (tính của cả liên quân) nhưng chiến dịch quân sự tại đây vẫn chưa đem lại bất cứ kết quả nào.
Nguyên nhân là do Quân đội Ả Rập Xê-út có khả năng tác chiến không cao, trong khi đó lực lượng nổi dậy ở Yemen dưới sự hỗ trợ của Iran lại có kỹ năng tác chiến khá tốt.
Nếu như Iran tiếp tục tăng cường hỗ trợ Yemen, kết hợp với các nỗ lực của cộng đồng người Shiite đang sinh sống ở Ả Rập Xê-út thì tình hình có thể diễn tiến theo hướng thảm họa cho el-Riyadh.
Cuộc chiến tổng thể - bất ổn trong nhiều năm?
Nếu như tình hình diễn tiến theo hướng dẫn tới cuộc chiến toàn diện thì “chiến trường chính” của cuộc chiến này sẽ là vùng Vịnh Persic và khả năng cả một phần lãnh thổ của Iraq và Kuwait (lãnh thổ nằm giữa Ả Rập Xê-út và Iran).
Bên cạnh đó, Qatar là đồng minh của Ả Rập Xê-út, còn chính quyền Iraq hiện nay đang ủng hộ Iran.
Xét về tổng thể, dù ưu thế hiện có vẻ đang nghiêng về Ả Rập Xê-út và đồng minh nhưng Iran lại có một vài “con bài” quan trọng khác như đang kiểm soát eo biển Ormuz và không vướng vào cuộc chiến “hậu phương” nào như Ả Rập Xê-út (ở Yemen).
Hải quân Iran lại hoàn toàn có thể đóng cửa eo biển này để ngăn chặn bất cứ tàu nào đi qua. Động thái này của Iran có thể dẫn đến bi kịch về kinh tế đối với các nước trong Vịnh Persic- các quốc gia tham gia vào Liên minh Arab chống lại Iran.
Trong khi đó, Iran vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ để kiếm lợi. Ngoài việc ngăn chặn được các nước này xuất khẩu dầu, Iran còn có thể khiến Ả Rập Xê-út, UAE, Qatar và các quốc gia vùng vịnh này đánh mất thị phần vào tay Mỹ, Nga và cả Iran.
Lính thủy đánh bộ của Ả Rập Xê-út. |
Nếu như chiến tranh nổ ra, hậu quả sẽ là khôn lường khi cả hai đều có thể sử dụng các loại tên lửa đạn đạo để tấn công lẫn nhau (Iran có thể giành lợi thế). Sau đó, chiến tranh có thể lan ra toàn khu vực, qua đó có thể hủy hoại toàn bộ Trung Đông.
Vấn đề cũng rất đáng chú ý là khi đó, các đồng minh lớn của Ả Rập Xê-út như Ai Cập, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động như thế nào. Khả năng Pakistan can dự trực tiếp vào cuộc xung đột này là khá thấp vì vẫn phải dè chừng Ấn Độ nên không muốn “tự sát”.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể thúc đẩy các hoạt động của mình tại Syria và Iraq và xét đến chính sách “hiếu chiến” của nước này thì Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể can thiệp vào xung đột Iran-Ả Rập Xê-út.
Đây là kịch bản có lợi cho Ả Rập Xê-út nhưng khi đó lực lượng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tận dụng thời cơ để tấn công từ bên trong.
Về phía Ai Cập, do khoảng cách địa lý khá xa so với “chiến trường” nên chưa chắc nước này đã can thiệp vào cuộc xung đột này. Hơn nữa, hiện tại Ai Cập vẫn đang tham gia vào quá trình cô lập Yemen.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn từ hãng tin Riafan.ru, regnum.ru, hãng chuyên đưa tin về hình hình kinh tế, chính trị…các nước, đặc biệt là Ukraine và các nước Trung Đông.