Chiến lược 2 hướng của Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp với Nhật Bản
Nhằm bòn rút sức lực binh sĩ và khí tài của Nhật Bản, Trung Quốc đã cho thi hành chiến lược 2 hướng ở trên biển và trên không gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cho tăng cường sự hiện diện cả mặt quân sự và dân sự trong không phận và hải phận của Nhật Bản quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Một phần trong chiến lược hai hướng là việc Trung Quốc cho các máy bay quân sự xuất hiện hàng trăm lần gần Senkaku/Điếu Ngư, buộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản điều động chiến đấu cơ lên đường theo dõi và đánh chặn.
Song giới quan sát nhận định, chiến thuật mà Trung Quốc thi hành với mục đích nhằm bòn rút sức lực binh sĩ và thiết bị quân sự của Nhật Bản, nhưng đồng thời đem lại mối đe dọa lớn với chính Trung Quốc.
Trung Quốc triển khai chiến lược 2 hướng ở trên biển và trên không quanh quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư. (Ảnh: Kyodo) |
Lực lượng Bảo vệ bờ Biển Nhật Bản bắt đầu triển khai ghi nhận số lượng tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư từ năm 2008. Trong khoảng thời gian này, chỉ có hơn 10 vụ việc xảy ra mỗi năm. Nhưng từ tháng 9/2012, thời điểm chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa Senkaku/Điếu Ngư, tính tới cuối năm 2012, Trung Quốc đã điều 428 tàu hải cảnh vào vùng biển quanh quần đảo tranh chấp.
Còn từ năm 2013 – 2018, trung bình mỗi năm 720 tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư. Đặc biệt, trong năm 2020, 1.157 tàu Trung Quốc đã có mặt trong vùng biển gần quần đảo tranh chấp. Con số này tăng 5% so với năm 2019 và gần gấp 3 lần so với năm 2012.
Không chỉ trên biển, Trung Quốc còn cho tăng cường sự hiện diện quân sự phía trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, từ tháng 1 – 3/2020, các chiến đấu cơ Nhật Bản đã 638 lần lên đường ngăn chặn dàn máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận mà chủ yếu xảy ra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Con số này cùng kỳ trong năm 2019 là 500 vụ.
Dẫn lời nguồn tin chính phủ Nhật Bản, hãng Kyodo đưa tin hồi tháng Bảy, sự xuất hiện thường xuyên của các máy bay Trung Quốc khiến Lực lượng Phòng Không Nhật Bản phải hoạt động trên biển Hoa Đông từ lúc mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn hàng ngày.
Nhật Bản và Trung Quốc đã đồng thuận nối lại các cuộc đàm phán về tranh chấp chủ quyền, song cho tới nay hai bên chưa ra được bất cứ thỏa thuận nào, lòng tin hai bên bị suy giảm nghiêm trọng.
Hồi đầu tháng 12/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại khi nhấn mạnh, các hoạt động hàng hải gia tăng của Trung Quốc quanh lãnh thổ Nhật Bản là mối đe dọa.
Ông Nakayama cho rằng, động thái của Trung Quốc là nhằm “đơn phương” thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông.
“Hàng ngày, các tàu và tàu hải cảnh Trung Quốc đều cố tình tiến vào lãnh hải của chúng tôi”, ông Nakayama nhấn mạnh.
Minh Thu (lược dịch)