Chỉ số PMI tháng 1 của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực
![]() |
Đây cũng là tháng thứ 14 liên tiếp chỉ số PMI của Việt Nam đạt mức trên 50 điểm, thể hiện sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất. Mặc dù vậy, mức điểm của tháng 1 đã giảm mạnh so với mức 52,4 đạt được trong tháng 12, và là mức kém nhất trong 3 tháng gần đây.
Đáng chú ý là sự sụt giảm này có nguyên nhân chính đến từ mức tăng yếu của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nói chung kỳ vọng sản lượng vẫn sẽ tiếp tục tăng trong 12 tháng tới. Mức độ lạc quan trong kinh doanh đã giảm so với tháng 12 nhưng vẫn còn rất tích cực do các doanh nghiệp có kế hoạch phát triển và dự kiến có số lượng đơn đặt hàng mới tăng.
Ngoài ra, tốc độ tăng chi phí đầu vào đầu năm 2017 vẫn mạnh và nhanh hơn so với mức trung bình của lịch sử chỉ số khi các thành viên nhóm khảo sát cho rằng nguyên nhân tăng chi phí đầu vào chủ yếu là do tăng giá nguyên vật liệu. Để đổi lại, các công ty đã tăng giá cả đầu ra và đây là tháng tăng thứ năm liên tiếp, tuy nhiên, tốc độ tăng giá đã chậm lại.
Thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục cải thiện nhẹ trong tháng 1 khi các thành viên nhóm khảo sát cho biết doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng tích cực với các yêu cầu giao hàng nhanh hơn.
Philippines vẫn là nước dẫn đầu về chỉ số PMI trong khu vực với 52,7 điểm nhưng tốc độ tăng đã chậm hơn đáng kể. Việt Nam dù có mức tăng thấp nhất trong 3 tháng liên tiếp nhưng vẫn đứng thứ 2 trong khu vực. Kế tiếp là Myanmar (51,7 điểm) và Thái Lan (50,6 điểm).
Cũng trong báo cáo, IHS Markit vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2017 ở mức 6,4%.