Chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ: Lo lắng về chất lượng là có cơ sở
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2015 tầm nhìn 2030.
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong đề án này là kinh phí thực hiện Đề án dự kiến 12.000 tỷ đồng để nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% (khoảng 9000 tiến sĩ).
Chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ: Lo lắng về chất lượng là có cơ sở (ảnh minh họa) |
Chia sẻ những lo ngại về dự thảo đề án này, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ thời kỳ tồn tại những cuộc “chạy đua” trong đào tạo tiến sĩ.
Phải thành thật thừa nhận rằng, hiện nay ở Việt Nam việc đào tạo tiến sĩ vẫn diễn ra một cách qua loa, dễ dãi đến như ngay đề tài nghiên cứu tiến sĩ cũng có những cái rất…buồn cười. Và cuối cùng hệ quả là chất lượng tiến sĩ của chúng ta không ổn, tôi tin Bộ GD&ĐT cũng nhận ra điều đó.
Điều mà Bộ GD&ĐT nên thực hiện nay đó chính là rà soát lại các cơ sở đào tạo tiến sĩ. Bởi lẽ, không phải cơ sở nào cũng có thể đào tạo được tiến sĩ. Đã đến lúc chúng ta cần cương quyết hơn, trường nào đào tạo tiến sĩ thì phải nghiên cứu khoa học mạnh, có bề dày truyền thống theo hướng nghiên cứu, có đội ngũ giảng viên mạnh, cơ sở vật chất tốt.
Cùng với đó, trường nào không đáp ứng nhu cầu thì kiên quyết loại bỏ. Cùng với đó, điều quan trọng là phải đẩy mạnh công tác quản lý từ Bộ GD&ĐT xuống các cơ quan quản lý cấp thấp và cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để đào tạo tiến sĩ đảm bảo chất lượng”.
TS Lê Viết Khuyến cũng cho biết thêm: “Nhiều người lo ngại về chất lượng tiến sĩ trong đề án này cũng là điều hoàn toàn có cơ sở. Lần này thành công hay thất bại phụ thuộc lớn vào năng lực quản lý của Bộ GD&ĐT”.
Nói về việc chi 12.000 tỷ để đào tạo 9.000 tiến sĩ trong tương lai, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho hay: “Hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ ở nước ta đang xảy ra tình trạng “lạm phát” tiến sĩ nhưng thực tế thì chưa đúng không phải.
Tại một số trường ĐH hiện nay, số lượng giảng viên là tiến sĩ rất ít trừ những trường ĐH tốp đầu.
Đó là chưa kể, tại nhiều trường, số tiến sĩ ở một số bộ môn đặc thù như khoa giáo dục thể chất, giáo dục đặc biệt…rất thấp. Một điều chúng ta phải thừa nhận là muốn nâng cao công tác nghiên cứu, giảng dạy thì cần nâng số lượng tiến sĩ lên ít nhất phải đạt khoảng 30 – 40%.
Với dự án đào tạo 9.000 tiến sĩ và chi 12.000 tỉ đồng thì vấn đề quan trọng là thực hiện thế nào để có đội ngũ tiến sĩ có chất lượng thực sự. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại là có nhiều người được cử đi học tiến sĩ nhưng sau đó chấp nhận bồi thường chi phí đào tạo để chuyển việc khác.
Song song với công tác tổ chức tôi nghĩ chúng ta cần chú trọng tạo ra môi trường làm việc cũng như điều kiện nghiên cứu và thu nhập tương xứng thì mới có hiệu quả thực sự”.