Chỉ 1% học sinh chọn tiếng Nga, Trung… làm ngoại ngữ 1
Theo đó Vụ này cho biết, trong kỳ vừa qua, nhiều địa phương tập trung nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Đối với học sinh theo học chương trình 10 năm (theo Đề án 2020), chất lượng được nâng cao rõ rệt, đặc biệt là về năng lực sử dụng ngôn ngữ.
Đối với việc dạy và học môn tiếng Pháp cũng tiếp tục được duy trì ổn định và nâng cao chất lượng. Đến năm học 2016-2017, tiếng Pháp tiếp tục được dạy ở 34 tỉnh. Học sinh chọn học theo một trong các chương trình: Chuyên, Tăng cường, Song ngữ, Ngoại ngữ 1, Ngoại ngữ 2. Số lượng học sinh như sau: 6691 học sinh tiểu học; 8228 học sinh THCS; 27.603 học sinh THPT.
Riêng tiếng Trung, tiếng Nga, Hàn Quốc, Nhật, Đức được dạy học như là môn ngoại ngữ 1 hoặc môn ngoại ngữ 2, số lượng HS học chiếm khoảng 1%, và chỉ có một số địa phương có điều kiện triển khai theo nhu cầu của người học.
Cụ thể, với sự lựa chọn tiếng Đức là ngoại ngữ 1, Hà Nội có 218 học sinh; TP.HCM có 130 học sinh...
Tiếng Nga được dạy tại 10 tỉnh (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An) với số lượng khoảng 1.200 học sinh.
Môn tiếng Trung được dạy tại 9 tỉnh, tại 28 trường THCS và 18 trường THPT với khoảng 12.000 HS, chủ yếu là học sinh chọn làm Ngoại ngữ 1.
Môn tiếng Nhật được dạy tại 7 tỉnh, 32 trường với khoảng 25.000 học sinh, bao gồm học sinh chọn làm Ngoại ngữ 1 và Ngoại ngữ 2.
Ngoài ra, Vụ Giáo dục Trung học cũng cho biết, trong kỳ vừa qua, hầu hết các sở giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6, không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học.
Bộ cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện việc rà soát và chấm dứt việc tổ chức các cơ sở giáo dục cấp THCS theo kiểu biến tướng các trường chuyên, lớp chọn.
Một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã có kế hoạch kiểm tra, rà soát và tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục trung học có yếu tố nước ngoài, các chương trình giảng dạy của nước ngoài hoặc bằng tiếng nước ngoài tại các cơ sở giáo dục trung học của Việt Nam; các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Bên cạnh những mặt đã đạt được, Vụ Giáo dục Trung học cũng cho biết những tồn tại trong học kỳ vừa qua.
Cụ thể, một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm túc quy định về việc ra đề và tổ chức kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học: việc ra đề kiểm tra còn thiếu tính chính xác, vượt quá yêu cầu của chương trình; hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá không phù hợp với mục đích và đối tượng học sinh làm ảnh hưởng không tốt đến động cơ và chất lượng dạy - học của giáo viên và học sinh; tạo ra áp lực không đáng có cho giáo viên và học sinh; gây băn khoăn, bức xúc trong xã hội.
Một số vấn đề bức xúc trong ngành như: hiện tượng dạy thêm, học thêm sai quy định; tình trạng ”lạm thu” đầu năm học; giáo viên xử lý sai phạm của học sinh bằng kỷ luật không tích cực... chưa được xử lý dứt điểm, gây dư luận không tốt trong xã hội.
Theo đó, trong học kỳ II, các sở giáo dục và đạo tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục trung học tiếp tăng cường nề nếp, kỷ cương và chất lượng, hiệu quả công tác trong các cơ sở giáo dục trung học. Nghiêm cấm việc cắt xén chương trình đã quy định.
Tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên tiếng Anh...
Nguồn PLO