Chàng trai "thổi hồn" đặc sản miền Tây vào đất sét Việt
Những hình ảnh thân thuộc về miền Tây như cá linh, tôm chua, cá lóc, xuồng ba lá... được chàng trai Sài Gòn tái hiện như thật qua các tác phẩm đất sét.
Những mảng đất vô tri, qua bàn tay phù phép của anh Nguyễn Tấn Đạt (ngụ Quận 3, TPHCM), trở thành những hình ảnh vô cùng quen thuộc với người dân Nam bộ.
Các loại thủy sản miền Tây được đặc tả tinh xảo từng chi tiết nhỏ, khiến người xem hồi tưởng về miền Tây thân thương.
Chia sẻ về ý tưởng làm nên các mô hình này, anh Đạt cho biết: “Trong những ngày ở nhà tránh dịch, tôi đã xem những video nói về miền Tây bị hạn mặn, nhiều người không có nước dùng, thủy hải sản cạn dần.
Đây là điều rất báo động về miền Tây khi lũ đã không về gần 4 năm trở lại đây".
Anh Đạt nói những mô hình anh làm đều gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Đấy cũng là thông điệp anh muốn gửi gắm đến mọi người hãy cứu lấy miền Tây thân thương.
Chiếc xuồng ba lá được làm từ đất sét nhìn y như thật. |
Món cá linh kho quen thuộc của người miền Tây. |
Về chất liệu, anh Đạt đã thử rất nhiều loại đất sét của Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, từng loại đất đều có lý tính khác nhau, nhưng cuối cùng, anh đã chọn đất sét Việt Nam. Việc này được sự tư vấn của một người bạn, và anh đã quyết định dùng đất sét Việt Nam để thực hiện bộ sưu tập này.
Kết hợp với đất sét Việt, anh đã khéo léo vận dụng thêm các vật dụng từ mây, tre, nứa để thổi hồn và làm sinh động hơn tác phẩm của mình. Qua đó, anh cũng muốn lồng ghép và “khoe” những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề ra thị trường nước ngoài.
Các đặc sản như cá lóc nướng trui, cá nàng hai được tái hiện. |
Tôm chua, đặc sản được người miền Tây yêu thích. |
“Nắm được nhu cầu thị trường, các khách du lịch nước ngoài thường rất ưa chuộng các sản phẩm làm nghề thủ công, nên mình cũng đã vận dụng và lồng ghép những sản phẩm này vào mô hình đất sét của mình.
Tôi mong muốn phát triển được nền nghệ thuật đất sét Việt, cũng nhưng giới thiệu thêm nữa cho bạn bè quốc tế về các sản phẩm thủ công của nước ta”, anh Đạt chia sẻ thêm.
Theo anh Đạt, những loại cá anh thực hiện đều phải thực hiện bằng nhiều loại đất khác nhau, nhằm thể hiện thật nhất hình dạng của từng loài.
Tiếp theo là màu sắc, anh đã bỏ ra thời gian khá dài để làm chủ được màu sắc và cách pha màu cho đúng với ý định mà mình muốn thể hiện trong tác phẩm.
Món tôm nướng cũng được tái hiện. |
Quan sát tại phòng riêng của anh, những mô hình tinh xảo có thể kể tên như: Cá tai tượng, cá linh, bông điên điển, đuôn dừa, cá basa, cá nàng hai, …
Những mô hình này đều được anh chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhất, khi xem thoáng qua, người xem khó lòng nhận ra đây là mô hình làm từ đất sét.
Bên cạnh việc muốn lưu giữ kỷ niệm miền Tây, anh Đạt còn chia sẻ muốn kết nối cộng đồng đất sét Việt, khẳng định vị thế của đất sét Việt trên thị trường quốc tế, chứ không phải núp bóng dưới cái tên “Nghệ thuật đất sét Nhật Bản”.
Anh Đạt cho biết anh không giấu nghề và sẵn sàng truyền đạt, hỗ trợ những ai có nhu cầu học hỏi. Với anh Đạt, thành công nhất là khi “chúng ta” cùng khẳng định vị trí của mình trên làng đất sét quốc tế, một nghệ thuật đất sét riêng của Việt Nam.
Thời gian qua, anh Đạt cũng là gương mặt khá thân thuộc đối với giới làm đất sét nghệ thuật tại TPHCM. Nhiều tác phẩm nghệ thuật của anh được đánh giá cao và được triển lãm trong nhiều đợt giao lưu nghệ thuật đất sét.
Các sản phẩm của anh cũng được du khách nước ngoài khá ưa chuộng và nhiều đơn hàng xuất khẩu đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Món đuông dừa, đặc sản Bến Tre. |
Cùng ngắm những tác phẩm từ đất sét của chàng trai Nguyễn Tấn Đạt:
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Theo dantri