Câu đố chữ Nhanh như chớp: 'Bộ phận cơ thể nào có thể dùng để trồng cây?'
Tập 13, mùa 4 chương trình Nhanh như chớp được phát sóng cách đây không lâu đã nhận được sự quan tâm lớn của khán giả truyền hình. Tại đây, tổng hợp các câu đố mẹo, chơi chữ, câu đố về khoa học... đã được đưa ra để làm thử thách đối với người chơi.
Trong tập này có một câu hỏi khiến nhiều khán giả phải băn khoăn về đáp án. Cụ thể, MC của chương trình là Hari Won đã đưa ra câu đố chữ: “Bộ phận cơ thể nào có thể dùng để trồng cây?".
Câu đố này đã khiến người chơi Phát La phải suy nghĩ mất vài giây. Anh cũng được MC Trường Giang đưa ra thêm gợi ý: “Tết người ta trồng cây sẵn ở đâu để mua về".
Tiếp tục thêm vài giây suy nghĩ, người chơi đã nhanh chóng chốt đáp án: “Xương chậu". Đây cũng chính là đáp án đúng được chương trình công nhận.
Như chúng ta đã biết, đây là câu đố chữ nên đánh lạc hướng tư duy thông thường của mọi người. Trên cơ thể chẳng có bộ phận nào thích hợp để trồng cây, nhưng “chậu" thì có thể dùng để trồng cây. Vậy nên bản chất câu hỏi lắt léo này đòi hỏi người chơi phải suy luận lanh lẹ về từ ngữ đồng âm khác nghĩa.
Về mặt khoa học, xương chậu hay còn được gọi là xương dẹt, là vùng xương có diện tích lớn nhất trong cấu tạo xương của cơ thể con người. Xương chậu có hình cánh quạt gồm 4 bờ, 2 mặt và 4 góc, do 3 xương hợp thành: xương cánh chậu ở trên, xương mu ở trước, xương ngồi ở sau.
Nếu xem cơ thể là một ngôi nhà, thì xương chậu có chức năng chính là nền móng của ngôi nhà ấy. Với diện tích cấu tạo lớn nhất trong hệ thống xương của cơ thể con người, xương chậu nối cột sống với xương đùi và trải đều trọng lượng cơ thể từ phần đỉnh đầu xuống thắt lưng, giữ vai trò là bộ phận quan trọng để nâng đỡ toàn bộ cơ thể và là “chìa khóa” giữ gìn sức khỏe.
Chức năng chính của xương chậu là để chống đỡ trọng lượng của phần thân trên khi cơ thể ngồi và đứng, chuyển hóa trọng lượng đó từ khung xương trục sang khung ruột thừa dưới khi thao tác đi đứng, chạy nhảy và hoạt động phần dưới cơ thể. Giúp cơ thể cân bằng và chịu được lực của các cơ vận động và tư thế mạnh.
Còn chức năng phụ là để chứa và bảo vệ nội tạng vùng chậu, phần dưới của đường tiết niệu, che chở các cơ quan sinh sản bên trong, gắn kết các cơ quan sinh sản bên ngoài và các cơ và màng liên quan.
Bạch Dương