Cặp vợ chồng cử nhân sư phạm Thanh Hóa về quê làm... nông trại mắc ca
Cùng tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm nhưng cặp vợ chồng Đỗ Trọng Học (SN 1985) và Phạm Thị Thu (SN 1987) đã lựa chọn về quê làm nông dân, phát triển nông nghiệp từ những cây trồng có giá trị ngay tại Như Xuân, Thanh Hóa.
Vườn cây giống mắc ca của gia đình anh Học, chị Thu.
Bỏ phố về đồi...
Chiều xuống, anh Học đang mải mê với trận cầu lông cùng người em trai ngay trên khoảnh sân trước nhà, chị Thu vừa đón mấy đứa trẻ đi học về và đang chạy chơi trong không gian thoáng đãng của khu vườn trồng toàn mắc ca.
Mắc ca đang trong mùa đơm hoa, hương thơm ngào ngạt riêng có của loại cây này khiến lũ ong say sưa mùa mật mới... Thời khắc bình yên này được xem như một món quà dành cho gia đình trẻ sau một ngày tất bật trên nông trại của mình.
Hơn 10 năm trước, anh Học từng tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục, Thể thao Bắc Ninh, chị Thu tốt nghiệp Khoa Sư phạm Toán của Trường Đại học Hồng Đức nhưng cả hai anh chị đều không đi theo nghề giáo mà lựa chọn trở về quê nhà để bắt đầu một hành trình mới – hành trình gắn bó với núi đồi quê hương. Quyết định này của hai vợ chồng khiến không ít bạn bè và người thân ngạc nhiên.
“Mình sinh ra ở huyện miền núi, từ nhỏ đã quen với từng tấc đất, ngọn đồi ở nơi này, nên dù được khuyên là phải học giỏi, đi ra để thoát cảnh vất vả nhà nông, nhưng trong thâm tâm mình vẫn luôn muốn làm gì đó để phát triển vùng đất này, để mang lại kinh tế cho gia đình...
Lúc đó cũng chỉ là những mong muốn mơ hồ bởi mình chưa có kinh nghiệm gì. Đến khi đi học, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, học hỏi được nhiều điều, mình mới đủ kinh nghiệm thực tiễn để đưa cây mắc ca – nữ hoàng của các loại hạt về trồng ở xứ này ” – anh Học cho biết.
Năm 2009, anh Học được xem là người đầu tiên đưa cây mắc ca về vùng đồi Như Xuân. “Lúc đầu anh chỉ trồng thử nghiệm và nghiên cứu sự thích ứng của cây đối với vùng đất Như Xuân. Cây vốn “đỏng đảnh”, quá trình chăm sóc để cây cho hạt đòi hỏi kỹ thuật cao, đầu tư lớn, người trồng phải có kinh nghiệm, vì vậy anh nhờ một người bạn là kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn, sau đó anh tìm tòi học hỏi thêm trên mạng rồi áp dụng vào quá trình trồng, chăm sóc cây.
“Giai đoạn đầu cũng gian nan lắm, phải đầu tư mất nhiều thời gian và công sức thì mới rút ra được kinh nghiệm cho bản thân và lựa chọn, sàng lọc được giống cây phù hợp, chăm sóc và phát triển ổn định như ngày hôm nay” - anh Học nói.
Thời gian đó, gia đình anh Học trồng xen thêm sắn, ổi, mít Thái... và chăn nuôi kết hợp gia súc, gia cầm, đào ao thả cá... để lấy ngắn nuôi dài. Đến nay, sau hơn 10 năm nỗ lực, cần cù, chịu khó, đất không phụ công người, gia đình anh Học đã sở hữu hơn 900 cây mắc ca trên diện tích 3 ha, trong đó có hơn 200 cây đã cho thu hoạch và cung cấp ra thị trường.
Các diện tích còn lại dự kiến cũng chỉ 1 - 2 năm nữa là bắt đầu cho quả. Các loại cây trồng, vật nuôi khác là nguồn thu thường xuyên cho gia đình, như đàn trâu, bò hơn 10 con, gần 1ha ao thả cá, các loại ngan, gà, vịt... cung cấp thường xuyên ra thị trường.
Tận dụng lợi thế về địa hình, khí hậu, nhất là mùa hoa mắc ca từ khoảng tháng 12 đến hết tháng 3, anh Học đã kết hợp chăm sóc thành công 45 đàn ong lấy mật, cho năng suất khá, trung bình mỗi năm đàn ong có thể đem lại cho gia đình anh khoảng 100 lít mật ong hoa mắc ca. Loại mật ong này rất đặc biệt nên được bạn bè, người quen đặt hàng trước, nhiều khi không đủ để bán.
Nghe anh Học, chị Thu kể hành trình xây dựng nông trại của riêng mình, tôi ấn tượng bởi sự dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm và sự đồng lòng của đôi vợ chồng trẻ. Chồng chăm lo về kỹ thuật, về sản xuất, vợ phụ trách tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.
Đằng sau sự thành công của anh Học trong trồng cây mắc ca và xây dựng nông trại tổng hợp là có sự hỗ trợ đắc lực của chị Thu – người luôn kề vai, sát cánh làm hậu phương vững chắc để giúp chồng theo đuổi niềm đam mê với nông nghiệp.
“Anh ấy say sưa, chăm chỉ với công việc nên vợ cũng phải siêng theo”, chị Thu vừa đùa vừa kể về niềm đam mê của chồng mình. “Nói đến cây mắc ca và ong, anh ấy có niềm đam mê vô tận. Một ngày làm việc chỉ dành 30 phút để thể dục thể thao, thời gian còn lại là mải miết trên đồi mắc ca, có hôm 12 giờ trưa chưa thấy về ăn cơm vì chưa xong việc, 9 - 10h đêm lại soi đèn đi kiểm tra đàn ong...
Công việc ở nông trại thì nhiều vô kể, ít lúc nào được nghỉ tay. Vào những mùa vụ, chúng tôi phải thêm nhiều lao động địa phương để phụ giúp. Tuy vất vả nhưng có nhiều niềm vui, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và giúp được nhiều người khác”.
Theo tính toán của anh chị, hàng năm sau khi trừ các chi phí, nguồn thu nhập từ nông trại này mang lại cho gia đình khoảng 200 triệu đồng/năm, giúp gia đình anh từ hộ khó khăn về kinh tế trở thành hộ khá giả. Người dân trong xã thấy thành công của hai vợ chồng trong việc trồng cây mắc ca và xây dựng nông trại tổng hợp, nhiều người đã đến học hỏi kinh nghiệm và nhờ anh Học tư vấn về kỹ thuật. Đến nay, ở xã Cát Vân, diện tích cây mắc ca không chỉ dừng lại ở 3 ha của gia đình anh mà đã nhân rộng thêm 4 ha ở các hộ lân cận. Hai năm trở lại đây, nông trại của gia đình anh còn cung cấp khoảng 1.600 cây giống mắc ca cho các đơn vị có nhu cầu.
... Xây dựng thương hiệu “Học mắc ca”
“Học mắc ca” là tên gọi mà anh Học, chị Thu lựa chọn để đặt tên nhãn hiệu cho sản phẩm mà nông trại làm ra. Các loại hạt mắc ca sấy khô, mật ong đóng chai và cả những bình rượu mắc ca do chính tay vị nữ chủ nhà khéo léo ngâm ủ được đặt ngay ngắn trong căn nhà nhỏ nằm yên bình trên đồi.
Những sản phẩm này từng được chị Thu đưa đi tham dự “Ngày phụ nữ sáng tạo – khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức và được vinh danh sản phẩm xuất sắc. Chị Thu thường mang những sản phẩm của mình đến với phiên “Chợ nhỏ an lành” để kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, giới thiệu sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm riêng của mình và đưa sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng vẫn còn dài. Song những tín hiệu đáng mừng nhờ sự phản hồi tích cực từ phía khách hàng đã giúp đôi vợ chồng trẻ có thêm động lực để nỗ lực, cố gắng và hướng đến sự phát triển bền vững, quy mô hơn. Anh Học, chị Thu vẫn đang trăn trở nhiều dự định cho tương lai.
“Tới đây mình sẽ nghiên cứu để thiết kế lại mẫu mã sản phẩm theo hướng thân thiện, tiện lợi hơn; đồng thời nghiên cứu, học hỏi để sản xuất thêm sản phẩm tinh dầu hạt mắc ca. Đây là sản phẩm được thị trường ưa chuộng bởi công dụng tốt cho sức khỏe và làm đẹp... Vợ chồng mình còn dự định mua sắm thêm máy sấy chuyên dụng để phục vụ khâu sấy hạt mắc ca, đồng thời chuyên luôn sản xuất các loại mít sấy khô từ vùng nguyên liệu sẵn có trong xã...” - chị Thu ấp ủ.
Không chỉ dừng lại ở đó, dự định lớn hơn mà đôi vợ chồng trẻ này đang hướng tới đó là xây dựng nông trại du lịch trải nghiệm, bởi trong nông trại của họ sẵn có diện tích nhà sàn, ao cá, cảnh quan thiên nhiên thân thiện với môi trường, sản phẩm đặc trưng riêng có.
Chỉ cần có sự kết nối, sự đầu tư thêm vài cung đường, sự hỗ trợ từ phía những cá nhân, tập thể nhiệt tình và chân thành thì có lẽ mục tiêu đón khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức sản phẩm sạch từ nông trại “Học mắc ca” là điều không quá xa vời.
Trồng dừa sáp nuôi cấy phôi, trái mọc chi chít gốc, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng
Mỗi tháng thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng dừa sáp, anh Đặng Minh Bé (Trà Vinh) tiếp tục mở rộng vườn dừa, tuyển chọn những cây dừa sáp trái sai, tròn đều để sản xuất giống dừa sáp cấy phôi cung ứng ra thị trường.
Bài và ảnh: Việt Hương/Báo Thanh hóa