Cáp ngầm cấp điện đã vượt biển ra đến đảo Lý Sơn
Ngày 9/9, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho hay, sau hơn 10 ngày thi công rải cáp từ xã Bình Hải (huyện Bình Sơn) xuyên qua biển, lúc 16h chiều 8/9, tuyến cáp thuộc dự án cấp điện lưới quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm đã cập bờ tại thôn Đông (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) trong sự vui mừng khôn xiết của người dân huyện đảo này.
Người dân thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn đang theo dõi công đoan cuối cùng cáp ngầm vào bờ (Ảnh: EVNCPC cung cấp) |
Theo kế hoạch ban đầu, dự kiến công tác thi công rải cáp sẽ hoàn thành trong 20 ngày kể từ ngày 26/8, tức phải đến ngày 14/9 cáp mới ra đến đảo Lý Sơn. Nhưng với sự nỗ lực cao của nhà thầu, sự tích cực theo dõi, đôn đốc của EVNCPC và BQL dự án Điện nông thôn miền Trung, tiến độ công trình đã được thúc đẩy mạnh mẽ.
Lúc 12h00 ngày 6/9, việc vận hành robot xẻ rãnh chôn lấp cáp đã hoàn tất, robot đã được cẩu lên xà lan của Liên doanh nhà thầu Prysmia - Thái Dương, bắt đầu công đoạn chuyển cáp từ dưới biển lên bờ. Và đến chiều 8/9, tuyến cáp đã vượt qua hơn 26km đường biển vào đến điểm định vị trên bờ huyện đảo Lý Sơn.
Trụ điện đầu tuyến phía đảo Lý Sơn (Ảnh: EVNCPC) |
Theo EVNCPC, các kỹ sư, công nhân của Liên doanh nhà thầu Prysmia - Thái Dương; Công ty TNHH Khảo sát thiết kế giám sát xây dựng đã không quản ngày đêm trên biển, nỗ lực lao động để sớm đưa cáp cập đảo Lý Sơn. Đến nay công tác rải cáp ngầm xuyên biển đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo an toàn về con người cũng như thiết bị vật tư.
EVNCPC cũng cho biết, trong giây phút cáp điện được kéo vào bờ, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên đã bày tỏ niềm vui sướng của người dân trên đảo bởi ước mơ từ bao đời nay của họ đã trở thành sự thật, nguồn điện từ hệ thống điện quốc gia sắp về với huyện đảo này.
Thi công chuyển đầu cáp qua đường ống vào bờ (Ảnh: EVNCPC) |
Dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm có tổng vốn đầu tư hơn 652 tỉ đồng, trong đó tuyến cáp ngầm trung áp 22kV dưới biển từ đất liền ra đảo dài hơn 26 km. Liên danh Prysmian (Ý) - Thái Dương (Việt Nam) là đơn vị thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị và thi công lắp đặt tuyến cáp ngầm. EVNCPC được EVN và Bộ Công Thương giao làm chủ đầu tư dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của huyện đảo Lý Sơn và của cả khu vực miền Trung này.
Sau khi dự án hoàn thành, người dân huyện đảo Lý Sơn sẽ được sử dụng điện liên tục 24/24 giờ từ hệ thống điện lưới quốc gia. Đồng thời EVNCPC cũng sẽ tiết kiệm được hơn 10 tỷ đồng mỗi năm do phải duy trì việc phát điện bằng diezel như trước đây.
Tuyến cáp được kéo vào bờ thành công (Ảnh: EVNCPC) |
Hiện EVNCPC cũng đang phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, TP Hội An và các đơn vị hữu quan khẩn trương hoàn tất hồ sơ gửi các bộ ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để trình Chính phủ phê duyệt dự án đưa điện lưới quốc gia vượt biển ra Cù Lao Chàm.
Theo đó, để đưa điện ra đảo phải xây dựng lưới điện toàn tuyến dài 34km, trong đó 8,5km trên không từ trạm biến áp 110kV TP.Hội An đến điểm tiếp nối cáp ngầm tại Cửa Đại, 15,5km cáp ngầm qua biển và 10km trên không tại Cù Lao Chàm. Công trình sẽ cung cấp điện năng cho khoảng 500 hộ dân và phục vụ du lịch, an ninh quốc phòng trên đảo, tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn trao tặng quà lưu niệm và chụp hình kỷ niệm với anh em công nhân, Kỹ sư tại công trường (Ảnh: EVNCPC) |
Hiện trên đảo Cù Lao Chàm có 100% số hộ sử dụng điện diezel tại trạm phát điện Bãi Làng tổng công suất 590kVA, trạm phát điện Bãi Hương sử dụng máy phát 75kVA và 1 trạm phát điện năng lượng mặt trời công suất 28 kWp. Tuy nhiên giá thành sản xuất điện quá cao (15.000 đ/kWh) trong khi giá bán điện bình quân khoảng 3.000đ/kWh. Nhiều năm qua, UBND tỉnh Quảng Nam phải bù lỗ 12.000đ/kWh, tương ứng 3,1 tỷ đồng/năm. Có điện, nhưng thời gian sử dụng điện rất hạn chế, chưa đến 7 giờ/ngày.