Cảnh giác với chó mèo tấn công trẻ
Bé Nguyễn T.V. (2 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc) được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu vì bị chó của hàng xóm lao vào cắn nát mặt.
Theo người nhà, bé V. sang nhà hàng xóm chơi thấy chú chó nên đi vào vuốt đuôi. Con chó đang ăn tưởng bị cướp thức ăn nên quay vào cắn cháu bé. Cháu bé bị chó cắn tổn thương nặng ở vùng mặt, mũi. Bác sĩ phải khâu, tạo hình lại mũi cho bé.
Không riêng gì bé V., Bệnh viện Nhi Trung ương thường xuyên tiếp nhận trẻ bị tai nạn do chó cắn. Có trường hợp bị chính chó nhà nuôi tấn công.
Chị Lê Việt Dung (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) không thể nào quên cái Tết sống trong sợ hãi khi con trai 3 tuổi của chị đến nhà người quen chơi đã bị chú chó của nhà họ cắn.
Bé trai chơi đùa với chó nhưng không rõ lý do vì sao con chó quay lại tấn công đứa trẻ. Cả gia đình sợ hãi đưa con xuống Hà Nội cấp cứu.
Do tổn thương vùng hàm mặt phức tạp, các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu ban đầu, truyền kháng sinh, giảm đau, tiêm uốn ván cho bệnh nhi, làm các xét nghiệm mổ cấp cứu sau đó chuyển cháu lên khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức để đánh giá vết thương dưới gây mê.
Kết quả cho thấy đây là tổn thương phức tạp vùng hàm mặt, tổn thương nhiều cơ quan quan trọng vùng mặt như: mắt, mũi, miệng, tổn thương ống sternon (ống tuyến nước bọt)…
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày Tết trẻ có nguy cơ bị tai nạn thương tích do chó mèo cắn rất lớn. Đa số do cha mẹ lơ là, trẻ trở thành nạn nhân.
Mỗi năm khoa Tạo hình – Sọ mặt tiếp nhận và phẫu thuật cho 10-15 trường hợp trẻ bị chó cắn có tổn thương phức tạp, đặc biệt là vùng mặt.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo.
BS Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết trong dịp Tết để tránh nguy cơ trẻ bị chó mèo cắn, cha mẹ nên dạy cho trẻ tuổi nào mới tiếp xúc với thú cưng.
Trẻ nên tiếp xúc với thú cưng từ 4 đến 5 tuổi, trẻ dưới 3 tuổi không nên cho tiếp xúc với thú cưng.
Dạy con không được đến gần khi thú cưng đang ăn, không nắm đuôi chó, mèo bởi có thể thú cưng sẽ quay lại tấn công trẻ.
Nếu trẻ bị thú cưng cắn có vết xước, vết cắn không gần vùng đầu thì bạn rửa sạch vết thương theo dõi thú cưng trong vòng 10 ngày. Trong 10 ngày thú cưng không chết, vẫn bình thường thì không cần tiêm phòng. Còn thú cưng chết, mất tích bạn nên đi tiêm ngừa cho trẻ ngay.
Đưa đến cơ sở y tế nếu vết thương rộng sâu, chảy nhiều máu hoặc vết thương biểu hiện nhiễm trùng (sốt, sưng, đỏ, đau, nổi hạch) hoặc trường hợp nghi ngờ dại.
Thú cưng cắn vùng mặt, đầu nên đi tiêm ngay vì khu vực gần trung tâm thần kinh của cơ thể nên virus dại tấn công nhanh hơn. Khi đó trẻ có thể tiêm phòng dại và thêm huyết thanh kháng dại để tiêm cho con.
Ngoài tai nạn do chó, mèo cắn các bậc phụ huynh cần quan tâm là ăn uống của trẻ.
Trong mùa Tết với trẻ cần lưu ý cần cho trẻ ăn đúng, không nên có suy nghĩ ngày Tết cần cho trẻ ăn những thức ăn lạ. Vì ăn thức ăn lạ trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa.
Bác sĩ Khanh đã gặp những trường hợp trẻ đang ăn dặm cha mẹ nghĩ ngày Tết con ăn gì cũng được, ngại nấu cháo cho con nên cho ăn cơm và trẻ bị rối loạn tiêu hóa, phân sống vì thói quen này.
Với trẻ lớn, bạn cần theo dõi trẻ cần ăn đúng cữ, đúng giờ. Trong ngày Tết có thể trẻ sẽ bị thiếu dinh dưỡng hoặc béo phì. Nhiều trẻ lười ăn ngày Tết cha mẹ lại không quan tâm nên trẻ bỏ bữa và sau Tết trẻ xuống cân, xanh xao.
Còn trẻ lại ăn nhiều hơn, bánh kẹo với nước ngọt ăn không kiểm soát sau Tết lại tăng nguy cơ béo phì.
Theo BS Khanh đảm bảo sức khỏe ngày Tết cho trẻ vô cùng quan trọng nên cha mẹ cần chú ý.
Khánh Chi