Nghệ An: 96% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ và chăm sóc
Vận động gần 70 tỷ đồng để giúp đỡ trẻ em
Trong những năm qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị liên quan thu thập, đánh giá, xây dựng các phương án, kế hoạch để kịp thời, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong tình hình dịch bệnh.
Đặc biệt, ưu tiên, quan tâm nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn.
Các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã có sự phối hợp kịp thời để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là nắm bắt và xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, các vụ phạm tội có tính chất nghiêm trọng, người bị hại nhỏ tuổi, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy, hầu hết các địa phương đã ban hành nhiều văn bản cụ thể để chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan cấp huyện và UBND cấp xã tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; đặc biệt là công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em, phòng chống xâm hại, lao động trẻ em…
Nhờ đó, 100% các vụ việc liên quan đến trẻ em được phát hiện xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, không để xảy ra sai phạm, không có khiếu nại tố cáo.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể cấp huyện, xã đã vào cuộc mạnh mẽ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó tập trung cao độ cho công tác truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước trẻ em.
Tính đến ngày 4/11/2022, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 37 vụ/47 em bị tử vong đuối nước trẻ em, giảm nhẹ so với năm 2021 (49/52 trẻ em tử vong); xảy ra 17 vụ/17 trẻ em bị tử vong do tai nạn khác (tai nạn giao thông, uống nhầm thuốc…).
Hằng năm, các địa phương đã bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các đơn vị, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện “Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh”.
Tính đến ngày 4/11/2022, toàn tỉnh Nghệ An đã vận động được 69,9 tỷ đồng để hỗ trợ giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ em và gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh và thiên tai lũ lụt.
Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc năm 2022 đạt 96% (tăng 1% so với năm 2021); giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt từ 1,4% (so với tổng số trẻ em) năm 2021 xuống còn 1,3% năm 2022.
Tăng cường chăm sóc, giáo dục trẻ em
Các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn Nghệ An ngày càng được tổ chức rộng khắp và hiệu quả.
Đến nay, hệ thống trường lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và yêu cầu phát triển của địa phương. Mọi trẻ em được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận với các loại hình giáo dục phù hợp, bình đẳng.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích (nhất là đuối nước), bị xâm hại, bạo lực tuy có giảm nhưng vẫn xảy ra tại một số nơi trên địa bàn tỉnh; công tác thông tin truyền thông có nơi còn thiếu thường xuyên, nhất là các địa phương ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; việc chấp hành pháp luật người tham gia giao thông còn hạn chế; công tác triển khai chương trình bơi an toàn phòng chống đuối nước ở một số địa phương, ngành còn chưa quyết liệt, có lúc còn hình thức, hiệu quả chưa cao…
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em, thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng, đề nghị bổ sung, sửa đổi các đề án, quy định về cơ chế, chính sách liên quan đến quyền trẻ em trên địa bàn để phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn địa phương.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các Sở, ban, ngành, địa phương đối với công tác trẻ em, tập trung thực hiện nghiêm Luật Trẻ em năm 2016, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An liên quan đến công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng về công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em; tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em gắn với thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; củng cố bộ máy, kiện toàn, phát huy hệ thống tổ chức, mạng lưới cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở trên địa bàn.
Bảo Trâm