Cảng Cam Ranh: Phút tiễn đưa “người đi – người ở”
Trong mỗi mái ấm nhỏ bé, bên cạnh sự yêu thương tràn ngập vẫn có một chút buồn man mác vì những người thân yêu sắp phải đi công tác nơi tuyến đầu Tổ quốc. Nhận nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, người chồng, người cha trong mỗi gia đình sắp lên tàu đi xa, để lại hậu phương những tháng ngày chờ đợi, nhớ thương!
1. Càng gần Tết, ca khúc “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long vang lên ở hầu khắp các mái ấm quân nhân trên bán đảo Cam Ranh và khu Gia binh Cam Lâm (Khánh Hòa). Ca từ mềm mại của bài hát như nhắn nhủ, như đợi chờ, như nói hộ nỗi lòng của những người vợ mong cho đấng thường quân “chân cứng đá mềm”, vững vàng trước sóng gió.
Phút tiễn đưa “người đi – người ở” trên cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) cuối tháng 12-2013. |
Ngoài trời lất phất mưa, chúng tôi tới thăm gia đình Trung tá Trịnh Xuân Tô – người sắp ra đảo Trường Sa Lớn công tác. Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết, nhưng gia chủ đã trang hoàng căn nhà đẹp đẽ hơn mọi ngày. Anh Tô trải lòng: "Mình sắp đi xa, không được ăn Tết ở nhà nên tranh thủ giúp vợ trang trí nhà cửa, sắp đặt lại một số vật dụng đón Tết...".
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Toàn (vợ anh Tô) đang chuẩn bị đồ dùng, quân trang cho chồng mang theo ra đảo. Đời anh mải miết với biển, đảo nên chị đã “quen” và có “kinh nghiệm” với mỗi lần chia tay. Tuy nhiên, tới phút tiễn đưa, chúng tôi vô tình bắt gặp hình ảnh chị đứng lặng nhìn theo chuyến tàu đưa anh đi công tác. Khi con tàu khuất cuối chân biển, trên khuôn mặt chị mới để lộ ra những giọt nước mắt lăn dài trên má... Nhìn cậu con trai út Trịnh Xuân Phú, chị Toàn chia sẻ: “Cháu đã 8 tuổi nhưng mới chỉ học lớp một. Dù cháu không được bình thường như mọi đứa trẻ khác nhưng Tết này anh đi, chắc cháu sẽ buồn lắm…”.
2. Chung cảnh phải xa “người thương”, cô sinh viên năm thứ 3, Đại học Nha Trang, Hoàng Thị Hường lại “yếu mềm” hơn khi biết tin người yêu là Thiếu úy QNCN Nguyễn Sơn Tùng, Nhân viên Phòng Tham mưu, Vùng 4 Hải quân ra Trường Sa công tác. Khi biết tin người thương sẽ ra đảo công tác, Hường giận và thậm chí đòi chia tay, nhưng nhờ sự kiên trì giải thích và vỗ về của người yêu, Hường đã nguôi ngoai. Ngày chia tay trên cảng Cam Ranh, trong màu áo hồng do Tùng trao tặng làm kỷ niệm, Hường nổi bật với làn da trắng, mái tóc đen mượt và khuôn mặt khả ái. Trong tiếng nấc, Hường không ngại ngần tâm sự: “Em sẽ đợi anh Tùng về! Với em, thời gian và khoảng cách giữa đất liền với đảo chỉ là điều kiện để thử thách tình yêu. Em mong anh Tùng ra ngoài đó luôn an tâm công tác, là người lính Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió”.
3. Cách Quân cảng Cam Ranh không xa, trong căn phòng nhỏ trên tầng 3 khu nhà khách Vùng 4 Hải quân, chị Trần Thị Mai - vợ của liệt sĩ Vũ Đức Nam, trắc thủ ra-đa (hy sinh tại đảo Trường Sa Lớn ngày 1-4-2004) - đang quét dọn nhà cửa, sắp xếp lại đồ đạc đón Xuân mới. Chị giản dị trong bộ đồ lao động đã bạc màu, giọng trầm buồn: “Tết này nữa là 10 năm rồi anh ấy không về. Nhưng mỗi khi tới độ Tết đến, Xuân về, tôi và con trai vẫn chuẩn bị mọi thứ để chờ anh!".
Trải lòng với chúng tôi, chị có thể vì phép lịch sự đã vội khoác thêm chiếc áo mới để che đi những vết sờn trên bộ đồ lao động cũ. Thế nhưng điều đó không quan trọng, vì toát lên từ chị Mai là vẻ đẹp tâm hồn của một người vợ, người mẹ vững vàng khi chồng đi xa. Chị nói: “Anh “đi” lâu rồi thành thử cũng quen, nhưng mùa Xuân đến thì không thể thiếu anh!...”.
Xa chồng, xa người yêu, mỗi người vợ, người con gái đang yêu đều chọn cho mình cách “thích nghi”. Đón mùa xuân cũng vậy, mỗi người phụ nữ đều có tâm trạng và cảm xúc riêng thật khó diễn tả. Người thật thà chọn cách “giao ban qua điện thoại” với chồng mỗi ngày. Người chờ đợi đến tối Ba mươi Tết gửi tới “một nửa” những lời chúc dung dị. Lại có người trắng đêm thao thức theo dõi cầu truyền hình, mong được nhìn thấy hình ảnh về Trường Sa thân yêu. Có người thì lặng lẽ khấn vái, bày biện lên mâm cỗ Tết đầy đủ bát đũa như thể gia đình vẫn còn đông đủ mọi thành viên…
Nhưng câu chuyện trên không có nghĩa là trong mỗi người vợ, người con gái chỉ có nỗi buồn khi chồng, người yêu lên đường ra công tác nơi đầu sóng Tổ quốc, trong họ vẫn toát lên ý trí, nghị lực phi thường và cả niềm vui riêng.
Hạnh phúc của các chị bắt đầu từ cử chỉ, hành động của những đứa con thơ: Đó là khi chúng hỏi về mẹ, về bố, về biển, về Trường Sa; đó là lúc chúng cười khúc khích vì được nghe giọng bố qua điện thoại… Thậm chí, hạnh phúc chỉ là khoảnh khắc tiễn đưa và sự đợi chờ mang đến những cung bậc yêu thương trào dâng mà đâu phải người phụ nữ nào cũng có được…
Cam Ranh ngày Xuân, nhưng biển không lặng sóng. Theo tàu HQ-571 đi thật xa, chúng tôi mới dần hiểu đâu đó trong sự hòa quyện, chuyển giao của đất trời đang khe khẽ vào Xuân, vẫn có những “khoảng lặng” mùa Xuân đáng trân trọng ở phía sau người lính!
Bài, ảnh: TẤN TUÂN – TUẤN SƠN/ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN