Cần ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân sản xuất thực phẩm, hàng thiết yếu
Hàng ngày, các công nhân, nhân viên bán lẻ và sản xuất hàng thiết yếu phải tiếp xúc với hàng nghìn người, nguy cơ tiềm ẩn sự lây nhiễm dịch bệnh rất lớn vì thế, đây là những đối tượng nên cần ưu tiên được tiêm vắc xin.
Tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM hiện nay, hệ thống bán lẻ và các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, trong khi đó việc vận chuyển hàng hóa lại gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn phải nỗ lực duy trì hoạt động, ổn định giá bán để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tại khác khu sản xuất, các doanh nghiệp cũng phải thực hiện nhiệm vụ kép đó là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh.
VASEP đề nghị đưa lực lượng lao động ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản vào đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. |
Theo thống kê, hiện nay toàn ngành thủy sản Việt Nam có hơn 4 triệu lao động trên toàn chuỗi, riêng khu vực chế biến là hàng trăm ngàn lao động, tập trung phần lớn ở các tỉnh phía Nam. Nhiều nhà máy sử dụng từ 500 - 3.000 lao động, một số nhà máy lớn sử dụng 5.000 - 10.000 người, mật độ lao động cao, là nguy cơ tiềm ẩn sự lây nhiễm dịch bệnh rất lớn.
Nếu xảy ra dịch bệnh, doanh nghiệp bị giãn cách, không duy trì được hoạt động sản xuất sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, gây thiệt lớn cho doanh nghiệp cũng như người lao động.
Còn đối với các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cũng đang phải nỗ lực hết mình nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa của người dân.
Các đơn vị bán lẻ cũng kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho nhân viên của mình. (Ảnh: Minh Thư). |
Không riêng gì lĩnh vực bán lẻ, nhiều lĩnh vực sản xuất khác, tỷ lệ công nhân được tiêm vắc xin Covid-19 hiện nay còn rất thấp.
Mới đây nhất, tại cuộc họp trực tuyến để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do Phòng thương mại và công nghiệp (VCCI) tổ chức chiều 4/8, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay, chưa đầy 1% trong tổng nhu cầu của doanh nghiệp dệt may được tiêm chủng, nên người lao động không yên tâm đi làm.
Trước những diễn biến mới của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương xem xét ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ nhân viên của mình.
Để kích cầu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo chuỗi giá trị không bị đứt gãy, cần thiết có một chương trình hỗ trợ tổng thể từ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản cho đến sản xuất cung ứng nông sản trong thời gian tới, vì thế mới đây, Tổ công tác Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho 100% công nhân để duy trì sản xuất và xuất khẩu.
Đặc biệt là ưu tiên 19 tỉnh, thành phía Nam được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho 100% công nhân các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đang thực hiện "3 tại chỗ" và các cơ sở sản xuất liên kết với nhà máy thực hiện theo chuỗi giá trị trực tiếp sản xuất. Đây là lực lượng lao động trực tiếp đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm lâu dài.
Bộ Công Thương mới đây cũng đã gửi công văn hỏa tốc đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ưu tiên vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động tại chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Theo đó, các địa phương sớm chỉ đạo cho ngành y tế và các cơ quan liên quan ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm lao động tại cơ sở trong chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu thuộc lực lượng tuyến đầu thúc đẩy, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dược phẩm, hàng hóa chống dịch…).
Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương tiếp nhận đăng ký vắc xin phòng Covid-19 của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã… tham gia cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Ngoài ra, Bộ này cũng đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, người lao động ngành vận tải và logistics. Đây là lực lượng quan trọng trong việc bảo đảm việc lưu chuyển hàng hóa trong bối cảnh nhiều địa phương đã và đang thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Ccovid-19.
Minh Thư
Người Hà Nội muốn đăng ký tiêm vắc xin thực hiện như thế nào?
Ai cũng có thể đăng ký tiêm tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo hai cách trực tiếp và trực tuyến (online) sau đó sẽ được sàng lọc, phân loại và chờ được thông báo.