Cần quy định thêm tài sản ảo vào Luật Phòng, chống rửa tiền
Ngày 1/11/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Đa số ý kiến các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để khắc phục hạn chế của luật hiện hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Các đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện dự thảo Luật về một số nội dung như: tên gọi, khái niệm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; các hành vi bị cấm; đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền; nghĩa vụ, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phân loại thách thức xử lý đối với các kết quả đánh giá rủi ro; tiêu chí phân loại mức độ rủi ro của từng loại khách hàng…
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn – nêu ý kiến việc xác định tội phạm rửa tiền trong thực tế là rất khó khăn. Ngân hàng Thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 300- 500 tỷ USD thu được từ hoạt động phạm tội rửa tiền.
Đến nay Việt Nam mới chỉ xét xử 03 vụ án với tội danh rửa tiền theo Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, cần có báo cáo tổng kết để làm rõ hơn bức tranh tổng thể hoạt động rửa tiền của nước ta hiện nay, tiền thường được rửa dưới hình thức nào, quy mô ra sao, lĩnh vực nào là chính…?
“Đây là thông tin quan trọng để các đại biểu Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định góp ý cho các quy định của dự thảo luật.”, ông Phạm Trọng Nghĩa nói.
Bổ sung thêm ý kiến trên, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh – kiến nghị cần bổ sung hình thức tài sản để bảo đảm bao quát đầy đủ đối tượng.
“Tại Điều 1 của dự thảo quy định về phạm vi điều chỉnh, trong đó nêu rõ chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố theo luật này và các quy định của pháp luật hình sự. Tuy nhiên, phòng, chống rửa tiền cũng nhằm đến một số đối tượng khác như ma tuý, buôn người và các tổ chức xã hội đen, nếu chỉ liệt kê là khủng bố thì phạm vi còn hẹp do đó cần bổ sung thêm đối tượng vào dự thảo luật...”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị.
Về khái niệm rửa tiền, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu rõ, nếu coi tội phạm rửa tiền là tội phạm hình sự thì phải quy định trong Bộ Luật hình sự, phải có nguyên tắc của pháp luật hình sự; không quy định trong Bộ Luật hình sự thì không phải là tội phạm hình sự. Do đó đại biểu cho rằng cần thiết kế lại vấn đề này để tránh gây hiểu lầm.
Đối với định nghĩa về tài sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng trong thời đại công nghệ hiện nay, quy định như trong dự thảo luật vẫn thiếu, chưa đầy đủ. Theo đại biểu, hiện nay chưa có khái niệm ảo, tiền ảo hoặc tài sản ảo, số hoá,.. do đó cần phải quy định thêm tài sản ảo, tài sản số hoá và tài sản mã hoá sẽ bao gồm được nhiều hình thức tiền và hình thức tài sản hiện nay đang bắt đầu sử dụng.
“Khái niệm và thực tiễn hiện nay rộng, nếu chỉ quy định như trong dự thảo luật sẽ không bao quát hết và sẽ khó áp dụng”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nêu ý kiến về sự kiểm soát hoạt động giao dịch để phòng chống rửa tiền tốt hơn. Theo đó, việc giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định sẽ rõ ràng, cụ thể hơn...
Đề cập về khuôn khổ pháp lý và hiệu quả thực thi dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, Chính phủ đã đưa ra 40 khuyến nghị theo quy định của FATF về phòng, chống rửa tiền. Nhiều nội dung mang tính định tính, nếu quy định mà tất cả mọi thứ đều phải kiểm soát thì số lượng giao dịch vô cùng lớn nên đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của đơn vị báo cáo.
“Việc quy định như trong dự án Luật là hoàn toàn phù hợp. Việc giao cho Ngân hàng Nhà nước hay Chính phủ hướng dẫn đều có trong dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư cũng đã nói rõ về vấn đề này. Sau khi Luật ban hành thì Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, điều chỉnh uyển chuyển, phù hợp hơn.”, Đại biểu Phạm Đức Ấn phát biểu.
Ngân Giang