Cần kiểm soát an toàn thực phẩm của trái cây xuất sang Trung Quốc
Sáng 10/12, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc”.
Trao đổi tại diễn đàn, ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, đã đưa ra một số đề xuất cho việc xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc. Trong đó, nội dung đầu tiên được ông đề cập là đề nghị các cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây của Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây và xây dựng các quy tắc thống nhất để đảm bảo rằng việc hái và khử trùng trái cây Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và không sử dụng hóa chất hoặc thuốc trừ sâu vi phạm quy định; về quy trình đóng gói, bán hàng cũng yêu cầu nghiêm ngặt.
“Trái cây Việt Nam khi xuất khẩu phải áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng”, ông Wang khuyến nghị.
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: Yêu cầu về an toàn thực phẩm của Trung Quốc đối với các sản phẩm nhập khẩu ngày càng khắt khe và liên tục cập nhật, bổ sung mới.
Doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm vào Trung Quốc cần đáp ứng điều 5, Lệnh 248 gồm: Thuộc quốc gia có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đánh giá tương đương; Được thành lập và chịu sự giám sát hiệu quả của cơ quan có thẩm quyền quốc gia đó; Thiết lập hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, xuất khẩu hiệu quả, hợp pháp tại quốc gia đó và đảm bảo thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các luật và quy định liên quan và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
TS. Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, cung cấp thêm thông tin: Trung Quốc đã đưa ra 5 yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Đó là: Phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; Không có các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; Được theo dõi và giám sát sinh vật gây hại bởi cán bộ kỹ thuật; Phải lưu trữ hồ sơ giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại.
Cùng với đó, các cơ sở đóng gói cần phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu vực riêng biệt không để chung với hàng xuất khẩu sang các thị trường khác. Đồng thời phải áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại. Trên mỗi hộp hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký…
Trung Quốc cũng đã đưa ra cảnh báo những phương pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Cụ thể, sẽ trả lại hoặc tiêu hủy các lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ; lô hàng của các cơ sở chế biến chưa đăng ký; lô hàng có đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm, các đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống khác, hoặc tìm thấy tàn dư thực vật.
Nếu phát hiện trường hợp không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch nhập khẩu khác của Trung Quốc, lô hàng cũng sẽ bị xử lý theo luật và quy định có liên quan.
Để tránh gặp rủi ro vi phạm quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc, Ths. Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kĩ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho rằng: Việc thiết lập quản lý vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đảm bảo được tính minh bạch để truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất nông sản của Việt Nam.
Bộ tiêu chuẩn VietGAP bao gồm các điều kiện và quy định về hoạt động của cơ sở sản xuất; các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm; các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo phúc lợi cho người sản xuất; an toàn lao động và điều kiện làm việc...
“Các tổ chức, cá nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải tổ chức kiểm tra nội bộ theo các yêu cầu của VietGAP không quá 12 tháng một lần. Khi phát hiện điểm không phù hợp phải phân tích nguyên nhân và có hành động khắc phục. Thời gian thực hiện hành động khắc phục trước khi giao hàng cho khách hàng nhưng không quá 3 tháng tùy thuộc nội dung điểm không phù hợp”, Ths. Ngô Xuân Chinh khuyến nghị.
Phổ biến Danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và Danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Phòng Thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật lưu ý: “Trong quá trình tra cứu qua các ứng dụng, cần chú ý thời gian hiệu lực của Thông tư Danh mục để tránh sử dụng và chỉ đạo các loại thuốc đã bị loại bỏ, không đúng theo quy định gây ảnh hưởng tới sản phẩm của mình”.
Hiện nay, có 2 cách tra cứu danh mục, đó là: Tra cứu trên các trang web của Cục Bảo vệ thực vật/ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Tra cứu qua ứng dụng Thuốc bảo vệ thực vật trên điện thoại thông minh.
Việc tra cứu trên ứng dụng sẽ nhanh và tiện hơn vì ứng dụng cung cấp đầy đủ thông tin về liều lượng, thời gian cách ly, giúp các nhà vườn xem trước thời điểm xử lý dịch hại, thời gian cách ly để lựa chọn phù hợp cho đối tượng sinh vật gây hại.
Bình Minh