Cần khung pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới
Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào liên quan đến việc xử lý thuốc lá điện tử khiến các cơ quan chức năng thường gộp chung vào loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Thiếu khung pháp lý
Ngày 11/11, tại Hà Nội, diễn ra tọa đàm về khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới, do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của hơn 50 đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp, kinh tế và cơ quan báo chí.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, nêu thực trạng về việc các cơ quan chức năng đang gặp lúng túng trong việc xử lý vì sản phẩm này chưa xuất hiện trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào, chỉ gộp chung vào loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Theo ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), nếu trong năm 2019, Hà Nội chỉ kiểm tra 6 vụ và thu giữ gần 1.000 các sản phẩm liên quan đến thuốc lá thế hệ mới thì đến hết tháng 9/2020, lực lượng quản lý thị trường tại Hà Nội cũng đã xử phạt 6 vụ liên quan đến thuốc lá thế hệ mới, thu giữ hàng nghìn sản phẩm phục vụ cho việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới.
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm không nên Luật hóa vội thuốc lá thế hệ mới, cần thí điểm |
Đáng kể, Hải quan TP. Hồ Chí Minh thu giữ 4 kiện hàng hóa nghi là thuốc lá thế hệ mới, với tổng giá trị thu giữ khoảng 1 tỷ đồng.
Ông Minh cho biết không chỉ mua bán trên thương mại điện tử, loại hình thuốc lá thế hệ mới này còn xuất hiện tại một số điểm bán hàng công khai trên thị trường.
Dẫn chứng, mới đây lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 1 trường hợp ở Hà Nội, bên ngoài bán cà phê nhưng bên trong kinh doanh thuốc lá thế hệ mới. “Đối tượng khai nhận giá đầu vào rất rẻ, nhập chỉ khoảng 40.000 đồng/chiếc giống như chiếc bút, hút được khoảng 300 hơi. Nhưng khi bán đến tay người dùng thì khoảng 160.000 - 200.000 đồng, lãi gấp 4-5 lần. Đây là mức “siêu lợi nhuận” - ông Nguyễn Kỳ Minh nhận định.
Trong khi đó, ông Minh cho rằng đến nay Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý cho mặt hàng này. Điều này khiến cho cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý vi phạm. Hầu hết các vụ việc liên quan đến thuốc lá thế hệ mới đều được xử lý dưới dạng hàng lậu, xác định là loại hàng hoá do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nên việc xử lý chưa sát với hành vi vi phạm.
Ông Minh nhấn mạnh: “Pháp luật cần điều chỉnh theo kịp các hiện tượng nên cần có khái niệm rõ ràng, chính danh để xử lý, cần một khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng này để có những mức hình phạt cụ thể và xác đáng cho các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nó. Ngoài ra, khi xây dựng chính sách thuế cần cân nhắc đến thực trạng thuốc lá thế hệ mới nhập lậu để có thể hỗ trợ tốt nhất cho cuộc chiến với các sản phẩm nhập lậu cũng như các mục tiêu quản lý nhà nước”.
Không nên Luật hóa vội thuốc lá thế hệ mới, cần thí điểm |
Bà Trần Tuyết Trang, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là sản phẩm mới, chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như chính sách quản lý của các bộ, ngành. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng ban hành khung chính sách quản lý các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tại Việt Nam.
Không nên luật hóa ngay
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng không nên ngay lập tức luật hóa tại thời điểm này mà bỏ qua giai đoạn thí điểm. Bởi, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là kết quả của việc áp dụng công nghệ trên toàn cầu, hiện vẫn còn rất mới đối với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam và các cơ quan quản lý.
Việc thí điểm sẽ giúp các cơ quan quản lý có đầy đủ thông tin và cơ sở chính xác, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc hợp pháp hóa dòng sản phẩm này cũng như đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm.
Từ đó, giúp xây dựng một khung pháp lý phù hợp chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá và bảo đảm dung hòa quyền lợi của các chủ thể liên quan, bao gồm nhà nước, người tiêu dùng, nhà sản xuất thuốc lá và nông dân trồng thuốc lá.
Tại Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định số 77/2013/NĐ-CP quy định về các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó các quy định về cai nghiện thuốc lá, về cấm hút thuốc lá nơi công cộng… Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu hiện đang áp dụng cho các loại thuốc lá điếu truyền thống. Đối với thuốc lá thế hệ mới, do có nhiều khác biệt về đặc tính sản phẩm cũng như cơ chế hoạt động so thuốc lá điếu truyền thống, do đó cần nghiên cứu kỹ, đưa ra cơ chế quản lý phù hợp.
Khánh Chi