Cần cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới
Trước nguy cơ của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tràn vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có nhiều dự thảo gửi Văn phòng Chính phủ về tác hại của thuốc lá thế hệ mới.
Thông tin trên được Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết tại hội thảo “Trao đổi thông tin về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng” do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tổ chức ngày 25/9.
Ths. Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Việt Nam cần ngăn chặn thuốc lá thế hệ mới càng sớm càng tốt để tránh những hậu quả tác hại kép do thuốc lá mang lại.
Theo bà Trang, tại các báo cáo nghiên cứu cho thấy hệ quả đầu tiên ở các nước cho thấy, hiện nay mức độ sử dụng và mức độ nghiện nicotine phổ biến ở thanh thiếu niên tăng cao (sử dụng đồng thời, nhóm hút thuốc mới): Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ học sinh trung học hiện đang sử dụng ENDs đã tăng từ 11,7 năm 2017 lên 27,5% vào năm 2019.
Tại Canada, ENDs trước đây đã bị cấm nhưng luật đã thay đổi cho phép bán vào năm 2018, cho phép tiếp thị hạn chế: Trong 2 năm 2018 - 2019, việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới trong thanh thiếu niên đã tăng gấp đôi. Các nước quy định ENDs, ENNDs & HTPs như sản phẩm thuốc lá thông thường cho thấy tỷ lệ gia tăng rất cao: Romania: 6,7% năm 2013 lên 8,2% năm 2017 (GYTS, 2017); Georgia: 5,7% năm 2014 lên 13,2% năm 2017 (GYTS, 2017); Italy: 8,4% năm 2014 lên 17,5% năm 2018 (GYTS, 2018).
Cần cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới |
Theo kết quả của Nghiên cứu hành vi nguy cơ của giới trẻ mới nhất vào năm 2019 do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) công bố vào ngày 21/08/2020 cho thấy mức độ nghiêm trong của đại dịch thuốc lá điện tử trong giới trẻ Mỹ. Việc sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên đã tăng vọt từ 13.2% năm 2017 lên 32.7% năm 2019.
Một điều đáng báo động là gần một phần ba thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử cho biết họ thường xuyên sử dụng (ít nhất 20 ngày mỗi tháng). Đây là dấu hiệu của việc bị nghiện nặng. Gần 11% học sinh trung học sử dụng thuốc lá điện tử ít nhất 20 ngày một tháng, chỉ ít hơn 2% so với thuốc lá truyền thống.
Theo bà Trang, Việt Nam hiện chưa cho phép kinh doanh, chưa sản xuất trong nước nhưng tỷ lệ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã tăng nhanh.
Năm 2015 có 0.2% người đang sử dụng thuốc lá điện tử - Điều tra GATS 2015, nhưng một điều tra năm 2020 tỷ lệ hút thuốc lá mới trong thanh thiếu niên ở Việt Nam đã là 2,6%
Riêng tại hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh lên tới 7%. Để phù hợp với xu hướng chung của thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và tránh phải giải quyết những hậu quả tương tự như một số quốc gia, Việt Nam nên cấm hoàn toàn mua bán, kinh doanh thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.
Khánh Chi