Cách sơ cứu khi bị ong đốt
Theo PGS Nguyễn Văn Đoàn – ong đốt rất nguy hiểm nếu 50 nốt đốt có thể dẫn tới sốc và tử vong. Những vị trí nguy hiểm như đầu mặt, cổ dễ bị sốc hơn.
Chị N.T.H., 29 tuổi làm nhân viên văn phòng tại Hà Nội không may bị ong đốt trong lúc đang bẻ nhãn. Theo lời kể của bệnh nhân H., trước ngày vào viện chị có cùng đồng nghiệp thu hoạch nhãn tại cơ quan. Trong lúc bẻ nhãn do không để ý có tổ ong, nên đã bị đàn ong bay ra đốt tại nhiều vị trí trên cơ thể như: tay, đùi, chân,…
Trong quá trình thăm khám, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch - Bệnh viện Bạch Mai, Chuyên khoa Dị ứng Miễn dịch, Bệnh viện Đa khoa Medlatec kiểm tra trên người bệnh nhân có hơn 10 nốt ong đốt, đồng thời tại vị trí ong đốt có biểu hiện sưng, đỏ, nóng lan rộng. Chị H., cho biết đó là ong vàng và chưa xử trí gì vào viện khám luôn.
Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân H., được chẩn đoán “Dị ứng, nhiễm độc do ong đốt” và được chỉ định nhập viện điều trị độc ong.
Kết quả sau 1 ngày truyền tĩnh mạch corticoid, uống thuốc kháng histamin, kết hợp với thuốc bôi, tình trạng sưng đau của bệnh nhân đã giảm đáng kể và được xuất viện.
Cách sơ cứu ong đốt như thế nào? |
Theo PGS Đoàn, nếu bị ong đốt dưới 50 nốt thì chưa nguy hiểm đến tính mạng, nhưng đốt trên 50 nốt thì có thể dẫn đến sốc và tử vong tùy từng loại ong. Hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, cơ địa bị dị ứng với nọc ong sẽ bị sốc hoặc bị nhiễm độc nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, PGS Đoàn chia sẻ thêm trong nọc độc của ong có chứa nhiều chất như: Melittin gây đau, men phospholipase A2 là tan hồng cầu, chất Apamine gây độc với thần kinh,… tùy từng loại ong sẽ có độc tố khác nhau. Nọc độc của ong vò vẽ, ong đất, ong bầu mạnh hơn ong vàng, ong muỗi. Khi bị đốt, người dân cần xử trí kịp thời để giảm đau buốt và tránh tai biến do nọc độc.
PGS Đoàn hướng dẫn các bước xử trí khi bị ong đốt
Trước tiên cần xua đuổi đàn ong để tránh bị chúng đốt nhiều hơn và tấn công người cấp cứu. dùng giẻ tẩm dầu, quấn vào đầu gậy đốt, hoặc dùng bùi nhùi rơm rạ, đốt để dùng khói xua đàn ong ra khỏi nạn nhân. Nếu có điều kiện, có thể dùng bình xịt thuốc diệt côn trùng để xua đuổi đàn ong.
Đặc biệt, không nên bóp nặn vết đốt vì dễ làm tổn thương nặng thêm. Sau đó, nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.
Tiếp đến, nếu bị ong thợ đốt để lại ngòi chích thì cần lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp. Người dân có thể rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Để giảm sưng đau, PGS Đoàn khuyên người bệnh nên uống nhiều nước để loại thải độc tố và chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau, giảm sưng.
Sau khi xử trí như trên người bị ong đốt cần được chăm sóc, theo dõi cẩn thận và đưa đến cơ sở y tế ngay để khám và điều trị.
Khánh Chi