Các tỷ phú Việt vẫn hút về nghìn tỷ bất chấp dịch dã
Đối mặt đại dịch, nhiều tập đoàn lớn vẫn thu lợi nhuận nghìn tỷ nhờ tiềm năng vững vàng sẵn có trong lúc xuyên qua khó khăn
Tỷ phú nước mắm hé lộ nhiều tham vọng
Nửa đầu năm 2020, lợi nhuận gộp Masan Group tăng trưởng 53%. Doanh thu thuần hợp nhất vào nửa đầu năm 2020 tăng 103,3% lên 35.404 tỷ đồng, so với mức 17.411 tỷ đồng vào nửa đầu năm 2019, chủ yếu nhờ mức tăng trưởng hai chữ số tại The CrownX (TCX). TCX là nền tảng tiêu dùng – bán lẻ đạt doanh thu 12.592 tỷ đồng trong Quý 2/2020 và 25.848 tỷ đồng vào nửa đầu năm 2020, tỉ lệ tăng trưởng lần lượt là 20,5% và 26,8%.
Các tỷ phú Việt vẫn hút về nghìn tỷ bất chấp dịch dã |
Mảng kinh doanh thịt của Masan MeatLife (MML) tiếp tục mở rộng quy mô với doanh thu từ thịt của MML đạt 1.055 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 với đà tăng trưởng 32,7% trong Quý 2/2020 so với Quý 1/2020.
Hiện nay, 40% lượng thịt của Masan MeatLife được thu mua từ các bên thứ ba, điều này khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng do giá heo hơi hiện nay đang ở mức cao kỷ lục. MML đang tìm các giải pháp thay thế mang tính chiến lược để xây dựng mô hình chuỗi cung ứng bền vững hơn. Tuy nhiên, Masan cho rằng giá heo hơi sẽ quay trở lại mức bình thường trong 6-12 tháng tới khi tổng đàn heo đã tăng 30% vào tháng 4/2020 so với tháng 12/2019.
Chủ tịch HĐQT Masan Group Nguyễn Đăng Quang không giấu tham vọng mục tiêu phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho ít nhất 50 triệu người tiêu dùng, đồng thời, tăng thị phần trong chi tiêu tiêu dùng lên mức 25%.
Hiện nay các sản phẩm của Masan mới chỉ phục vụ 1% chi tiêu tiêu dùng của người Việt.
Trong khi đó, VinCommerce, đơn vị đang điều hành hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi VinMart và VinEco) lợi nhuận âm 1.058 tỷ đồng. Khách đến cửa hàng tăng 11% vào tháng 7/2020 so với tháng 6/2020. Trong khi đó, doanh thu quý 2/2020 của VinMart+ đã bật tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hơn 6000 tỷ đồng doanh thu sản xuất của tỷ phú giàu nhất nước
Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên. Trong đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất trong 6 tháng đạt 38.576 tỷ đồng, giảm gần 37% so với cùng kỳ, chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ, và ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động sản xuất tăng mạnh đã bù đắp một phần cho sự suy giảm.
Tính riêng từng phân khúc, doanh thu bán lẻ bất động sản đạt 23.461 tỷ đồng, giảm 31,4%. Nhưng nếu gộp cả bán buôn lô lớn, tổng doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 34.400 tỷ đồng, tăng gần 1%.
Ô tô VinFast có những bước tăng tốc trong phát triển khách hàng nhờ các chính sách giảm giá, ưu đãi. |
Điểm sáng trong nửa đầu năm là doanh thu từ hoạt động sản xuất đạt 6.159 tỷ đồng, gấp hơn ba lần cùng kỳ năm 2019. Năm 2020, ô tô VinFast và điện thoại Vsmart có những bước tăng tốc đột biến trong phát triển khách hàng nhờ các chính sách giảm giá, ưu đãi.
Tuy nhiên, so nhiều khó khăn trong bối cảnh chung, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn trong nửa đầu năm đạt hơn 5.600 tỷ đồng, giảm 65% so cùng kỳ. Vingroup cũng ghi nhận khoản lỗ khác hơn 1.200 tỷ. Kết quả lợi nhuận sau thuế 2 quý đầu năm chỉ đạt 1.354 tỷ đồng, giảm hơn nửa so với cùng kỳ năm 2019.
Bất chấp dịch bệnh, vua thép lãi kỷ lục
Quý II/2020, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Doanh thu trong kỳ đạt 20.694 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế đạt 2.756 tỷ đồng, cao hơn 34% cùng kỳ năm ngoái và là quý có lợi nhuận cao nhất lịch sử gần 30 năm của Hoà Phát. Lĩnh vực thép tiếp tục đóng vai trò lớn nhất trong thúc đẩy tăng trưởng cho Tập đoàn.
Lũy kế 6 tháng, HPG đạt 40.145 tỷ đồng doanh thu, 5.060 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 29% và 31% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch kinh doanh năm 2020 vừa được ĐHCĐ thông qua cuối tháng 6, HPG đã hoàn thành 47% doanh thu và 56% lợi nhuận sau thuế. Kết quả này thể hiện sức mạnh nội tại, sự linh hoạt thích ứng của Tập đoàn Hòa Phát trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong nửa năm, Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước 1,51 triệu tấn thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng khu vực miền Nam tăng gần gấp 2 lần với 357.000 tấn. Xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm 6 tháng đạt gần 203.000 tấn, tăng hơn 67,3% so với cùng kỳ 2019. Đối với sản phẩm thép thô (phôi thép), tổng lượng phôi thép sản xuất 6 tháng qua đạt 2,6 triệu tấn. Ngoài phục vụ các nhà máy cán thép của Hòa Phát, lượng phôi thép cung cấp cho thị trường 6 tháng đầu năm là 831.000 tấn, trong đó riêng tháng 6/2020 đạt 165.000 tấn.
Với sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường 347.100 tấn ống thép các loại. Trong đó, sản lượng xuất khẩu tăng gần gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2019, tiếp tục giữ thị phần vượt trội với trên 31%. Sản phẩm ống thép cỡ lớn nhanh chóng trở thành dòng hàng thế mạnh của Công ty. Riêng mặt hàng Tôn, sản lượng bán hàng Tôn Hòa Phát tăng 200% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tập đoàn của vua thép Trần Đình Long dù bị ảnh hưởng đôi chút bởi dịch dã, song nhóm nông nghiệp quý 2 vẫn ghi nhận 2.263 tỷ đồng doanh thu và 360 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đóng góp tương ứng 11% và 13% vào kết quả chung của cả Tập đoàn.
Đại gia chăn nuôi Dabaco báo lãi 750 tỷ đồng nửa năm
Đại gia chăn nuôi có thời gian đầu năm "ngồi mát ăn bát vàng" khi giá thực phẩm, đặc biệt lợn hơi tăng chóng mặt. Nhờ đó, Dabaco đạt lợi nhuận sau thuế hơn 750 tỷ đồng, tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 38,6% so với cùng kỳ, lên gần 2.200 tỷ đồng. Nhờ đó, doanh nghiệp này lãi hơn 401 tỷ đồng, tăng 53,2 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế từ đầu năm, Dabaco đạt lợi nhuận sau thuế hơn 750 tỷ đồng, tăng 27,7 lần năm ngoái. Doanh thu này là một bất ngờ sửng sốt với ngay cả dàn lãnh đạo Dabaco khi mà chỉ nửa đầu năm, Dabaco đã vượt kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận cả năm. Kế hoạch này mới đặt ra từ tháng 4 năm nay, chỉ cách đây chưa đầy 3 tháng.
Theo lý giải của công ty, kết quả này có được nhờ quý II, ngành chăn nuôi phục hồi tốt. Ngoài việc giá lợn vẫn cao trong thời gian qua, kết quả kinh doanh của Dabaco có sự tăng trưởng mạnh do cùng kỳ năm ngoái ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn ăn nuôi bị "chìm đáy" do tác động nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi.
Ngân Khánh