Các ngân hàng đều muốn cho vay bất động sản nhưng không khuyến khích đối tượng này
Các dự án đầy đủ pháp lý đều được cho vay
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nhận xét, tốc độ tăng trưởng vốn tín dụng hằng năm bình quân có con số rất rõ, không có gì gọi là “nóng”.
Theo ông, tất cả các dự án đầy đủ pháp lý đều được cho vay, những dự án liên quan đến nhà ở phục vụ người dân, kể cả tín chấp tiền lương, vẫn được ngân hàng cho vay, người dân có thể tiếp cận được.
Việc người dân ở nơi này nơi kia không tiếp cận được vốn tín dụng là do tính pháp lý không đảm bảo khả năng trả nợ hoặc vượt khả năng tài chính của người vay.
"Xảy ra bong bóng bất động sản là do có hiện tượng không phải mua nhà để ở, mà mua nhà để tích luỹ, để đầu cơ, dẫn tới việc đẩy giá lên. Có những người mua cả tòa nhà, mua nửa tòa nhà. Mua nhiều như vậy để đẩy giá lên và chỉ cần thị trường ách tắc, không bán được hàng, đóng băng thì toàn bộ những khoản nợ ấy nếu ngân hàng cho vay sẽ rủi ro rất lớn", ông Hùng nêu quan điểm.
Ông Hùng cho rằng, các ngân hàng đều muốn cho doanh nghiệp vay. Tuy nhiên, với những dự án vừa tiếp cận vốn vừa vướng thủ tục pháp lý thì ngân hàng không khuyến khích.
Vấn đề đặt ra là tỷ lệ cho vay ngắn hạn và cho vay trung dài hạn sẽ dần theo thông lệ quốc tế, đến tháng 10/2023 đưa về 30% phù hợp với thực tiễn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của hệ thống ngân hàng.
Trao đổi với VietNamNet, trưởng phòng tín dụng một ngân hàng nhóm Big4 cho biết, đối với lĩnh vực cho vay bất động sản, hiện ngân hàng chỉ cho vay đối với khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở, hoặc vay để sửa nhà.
“Với khách hàng vay mua nhà để ở hoặc vay sửa nhà, chúng tôi luôn sẵn sàng cho vay và chưa bao giờ từ chối những khách hàng này. Lãi suất cho vay bình quân 11% và vẫn duy trì mức lãi suất này từ trước Tết đến nay.
Đối với khách hàng vay để đầu cơ, chúng tôi luôn kiểm soát chặt để không giải ngân cho những khách hàng này', vị này nói.
Nói về khơi thông tín dụng cho bất động sản, trưởng phòng tín dụng nêu quan điểm 'vẫn kiểm soát chặt, không để dòng vốn luồn lách, chảy vào đầu cơ thổi giá'.
Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng năm 2022 ước tính đạt 14,5%, cao hơn mức tăng trưởng của năm 2021 là 13,6%. Xem xét dư nợ tín dụng theo từng lĩnh vực, tính đến hết tháng 9/2022, dư nợ cho vay mua nhà tăng trưởng 20,1% so với đầu năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, trong khi đó dư nợ cho vay chủ đầu tư bất động sản tăng trưởng 7,4% so với đầu năm, trong bối cảnh hoạt động cho vay bất động sản được giám sát chặt chẽ hơn.
Cũng theo số liệu của NHNN, dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả chủ đầu tư và người mua nhà) vẫn chiếm 20,9% tổng tín dụng. Đồng thời, một số ngân hàng có xu hướng giảm quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp, chẳng hạn như tại Techcombank và HDBank.
Hình thành định chế tài chính mới cho bất động sản
Dữ liệu của Fiin Group công bố mới đây cho thấy, số ngày tồn kho bất động sản bình quân đã gần chạm mức 1.500 ngày, tức phải khoảng 4 năm mới tiêu thụ hết. Cũng theo Fiin Group, hiện có trên 280 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn.
Theo Bộ Xây dựng, khó khăn đối với thị trường bất động sản là do thủ tục pháp lý chồng chéo hoặc chưa rõ ràng (chiếm tới 70%), tiếp đến là những khó khăn về vốn, lệch pha cung cầu, thiếu nhà ở phù hợp với túi tiền của người mua, giá nhà liên tục tăng cao.
Để giải quyết bài toán tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng, trước mắt cần tạo điều kiện phù hợp để các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng tiếp tục phát hành trái phiếu, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, ứng xử phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro hiệu ứng domino có thể xảy xa. Đồng thời, cần có giải pháp quyết liệt hơn để điều tiết cung cầu bất động sản, khẩn trương tháo gỡ rào cản pháp lý.
“Về tài chính bất động sản, đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam thúc đẩy hình thành một số định chế tài chính mới, như quỹ đầu tư tín thác bất động sản, cơ quan tái cho vay, tái thế chấp nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ phát triển nhà ở xã hội, công ty định giá tài sản độc lập. Có thể cho phép thí điểm một số sản phẩm huy động vốn mới thông qua Fintech, huy động vốn cộng đồng, chứng khoán hóa các dự án bất động sản... ”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất.
Ngày mai 8/2, Ngân hàng Nhà nước sẽ họp với các ngân hàng thương mại cổ phần để tìm giải pháp cho tín dụng bất động sản, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, không nảy sinh "bong bóng" nhưng cũng không bị "đóng băng".
Tuân Nguyễn