Các bệnh nhân đều được ghi nhận khi hết thời gian cách ly, có khả năng âm tính giả không?
Đến thời điểm hiện tại, các ổ dịch đều ghi nhận nguồn lây từ bệnh nhân đã hết thời gian cách ly tập trung 14 ngày. Như vậy, nhiều nghi vấn đặt ra khả năng có xét nghiệm cho kết quả âm tính giả hay không?
Kéo dài thời gian cách ly
Sáng nay, Hà Nội lại ghi nhận thêm một trường hợp bệnh nhân V.V. (SN 1984, quốc tịch Ấn Độ) là chuyên gia làm việc cho công ty Vinfast. Địa chỉ: tại Park 10, tầng 34, phòng 12B, Khu đô thị Timescity, Mai Động, Hoàng Mai. Bệnh nhân nhập cảnh ngày 17/4/2021, được cách ly tập trung tại khách sạn Cảnh Hưng, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, lần 1 ngày 19/4, lần 2 ngày 30/4, kết quả đều âm tính (CDC Hải Phòng). Ngày 1/5, bệnh nhân hết cách ly, đi taxi về Hà Nội ở tại địa chỉ trên cùng vợ và con, tự khai chưa đi đâu xa.
Như vậy đến thời điểm hiện tại Việt Nam ghi nhận thêm 3 chùm ca bệnh Covid-19 đều liên quan tới các trường hợp đã hết thời gian cách ly 14 ngày theo quy định.
TS Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết trước tình hình thực tế vẫn có các ca nhiễm Covid-19 sau khi hết thời gian cách ly tập trung 14 ngày. Đến ngày 4/5, Bộ Y tế đã yêu cầu các Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính.
Các bệnh nhân đều hết thời gian cách ly có khả năng âm tính giả không? (Ảnh minh họa) |
Có âm tính giả?
GS Nguyễn Thanh Liêm – nguyên Giám đốc BV Nhi Trung ương cho rằng chùm ca bệnh Covid-19 lần này bắt đầu bằng một công dân trở về từ Nhật Bản. Nam bệnh nhân đã được cách ly đúng quy định và sau 3 lần xét nghiệm âm tính đã được cho về cách ly tại nhà. Sau khi về nhà bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt và xét nghiệm kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Chúng ta cũng đã có một số trường hợp xét nghiệm âm tính nhưng khi ra ngoài khu cách ly lại dương tính.
Có thể có nhiều nguyên nhân nhưng một khả năng cần được lưu ý là có thể xét nghiệm đã có kết quả âm tính giả hay nói cách khác là độ nhạy của xét nghiệm có vấn đề.
Mặc dù, bất cứ xét nghiệm nào cũng có tỉ lệ nhất định âm tính giả và dương tính giả nhưng với bệnh Covid-19 thì xét nghiệm âm tính giả rất nguy hiểm. Người bệnh vẫn được coi là “người khỏe mạnh”, tự do tiếp xúc và lây bệnh cho người khác.
Nhiều ý kiến cho rằng sau khi xét nghiệm PCR đã cho kết quả âm tính có nên tiến hành một test kháng thể nhanh để thêm chắc chắn.
Theo BS Trương Hữu Khanh – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, khả năng dương tính giả có thể xảy ra nếu lấy bệnh phẩm không đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nguyên nhân thứ hai có thể do các quy trình kỹ thuật (từ đầu đến cuối) chưa thực sự đảm bảo tốt và ổn định. BS Khanh cũng cho rằng nếu xét nghiệm PCR âm tính cũng không cần thiết phải test thêm kit kháng thể bởi vì khả năng này không có tác dụng.
Với các trường hợp cách ly thời gian qua, BS Khanh cho biết cần xem xét thật kỹ lưỡng thời gian lấy dịch xét nghiệm và quy trình lấy dịch xét nghiệm đã đúng hướng dẫn chưa. Vùng lấy mẫu mà không có virus thì khả năng kết quả âm tính rất lớn. Hoặc có trường hợp lại lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 12, 13 của thời gian xét nghiệm chứ không phải ngày thứ 14.
BS Khanh cũng cho biết có thể một số trường hợp lây chéo trong khu cách ly. Khả năng lây virus ngày thứ 12,13 của quá trình cách ly thì ngày thứ 14 xét nghiệm cũng chưa đủ thời gian để dương tính. Có trường hợp bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh có thể 14 ngày hoặc dài hơn nên thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12-13 không phát hiện ra dương tính.
Theo chuyên gia này vấn đề xác định nguồn lây rất quan trọng để định hướng truy vết và đánh giá quy mô dịch nhưng đó là công việc của các nhà dịch tễ còn đối với các địa phương điều quan trọng lúc này là ưu tiên truy vết hết F0, F1, F2... Người dân thực hiện nghiêm khẩu hiệu 5 K để hạn chế khả năng lây lan của Covid-19.
Khánh Chi