Buôn lậu thuốc lá với nhiều thủ đoạn tinh vi
Trong khi các cơ quan chức năng liên tục triển khai nhiều giải pháp chặn thuốc lá lậu vào Việt Nam thì mặt hàng này bằng nhiều thủ đoạn của các đầu nậu vẫn thẩm lậu vào nước ta.
Biên giới Tây Nam vẫn nóng buôn lậu thuốc lá |
Thuốc lá nhập lậu vào thị trường Việt Nam chủ yếu qua đường hàng không, tàu biển, đường bộ với 90% là mặt hàng thuốc lá Jet, Hero… Biên giới Tây nam trong đó các tỉnh Tây Ninh, Long An, An Giang… là những điểm nóng về tình trạng buôn lậu thuốc lá.
Ông Hồng Văn Hoàng - Phó Cục Quản lý thị trường (QLTT) kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh - cho biết, chỉ riêng trong tháng 9/2020, lực lượng 389 Tây Ninh đã bắt giữ 71 vụ vi phạm với 41 đối tượng tham gia, trong đó đã thu giữ 42.063 bao thuốc lá nhập lậu và 154 chiếc xe máy dùng để vận chuyển thuốc lá trái phép.
Theo ông Hoàng, tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới, các đối tượng đầu nậu cầm đầu đường dây buôn lậu chẻ nhỏ hàng, thuê cư dân sống ở vùng biên giới đai vác thuốc lá qua đường biên. Sau đó dùng xe mô tô được thiết kế chuyên dụng, ngụy trang vào trong các loại hàng hóa khác gửi xe tải, xe khách, xe ô tô con và đưa về các thành phố lớn tiêu thụ
Tương tự tại Long An, Phó Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An - Phạm Đức Chinh cho biết địa phương này xuất hiện thủ đoạn lợi dụng trời mua, đêm tối, các đối tượng chuyển hàng lậu qua biên giới, nhiều nhất là mặt hàng thuốc lá. Chỉ tính riêng mặt hàng thuốc lá, lực lượng 389 Long An đã thu giữ 617.000 gói trong tháng 9/2020; tính cả 9 tháng đầu năm 2020, số lượng thuốc lá nhập lậu đã thu giữ lên tới gần 1,8 triệu gói.
Theo ông Chính,thủ đoạn mà các đối tượng này thực hiện cho hành vi buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi khiến cho công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.
Cụ thể là sau khi tuồn thuốc lá qua biên giới, hoạt động vận chuyển thuốc lá lậu thường từ 21 giờ đến 2 giờ sáng. Tại các cơ sở kinh doanh như thuốc lá chỉ trưng bày bao vỏ không hoặc trưng bày số lượng nhỏ chung với hàng hóa hợp pháp - khi khách có yêu cầu thì chúng chuyển từ địa điểm khác đến bán.
Tình trạng này cũng trùng khớp với báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đưa ra. Theo đó, trong 6 năm (từ 2013-2018), các cơ quan hữu quan đã xử lý gần 84.000 vụ thuốc lá nhập lậu, tuy vậy số thuốc lá lậu bị thu giữu chỉ bằng trên dưới 1% tổng số thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam.
Trong 10 năm trở lại đây, sản lượng thuốc lá nhập lậu tiêu thụ bình quân từ 700 triệu bao đến hơn 1 tỷ bao/năm, tương đương từ 18-25% thị phần thuốc lá tiêu thụ trong nước.
Hơn nữa, thuốc lá lậu không chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 75% và 10% thuế giá trị gia tăng, do vậy đã trực tiếp gây thất thu thuế cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng/năm, đồng thời trực tiếp lấy đi hàng vạn chỗ làm của người lao động.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá (Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam) cũng cho thấy, hai nhãn hàng thuốc lá Jet và Hero lậu chiếm số lượng khá lớn trên thị trường hiện không tuân thủ bất kỳ quy định nào của pháp luật Việt Nam như: Không có hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên vỏ hộp, không ghi rõ nơi, ngày sản xuất, hạn sử dụng, không thực hiện quy định về công bố chất lượng, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, lộ trình giảm Tar và Nicotin. Trong khi đó, hàm lượng các chất độc hại chứa trong hai loại thuốc lá này cực cao, trực tiếp gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe người hút.
Như vậy ngoài tác động tiêu cực cho nền kinh tế, thuốc lá lậu mà còn là thủ phạm chính gây họa đến sức khỏe cho người tiêu dùng. Theo Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá, một thành phần vô cùng độc hại đã được tìm thấy trong mẫu sợi của hai nhãn thuốc lá lậu Jet và Hero là coumarin. Chất coumarin là chất cấm trên toàn thế giới, có khả năng gây ngộ độc, đặc biệt thành phần này có trong thuốc diệt chuột.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng ngoài tăng cường kiểm tra, mức xử phạt thì cũng cần đẩy mạnh khâu tổ chức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhập lậu.
H. Phong