Bóc trần chiêu thức kích cầu giới trẻ sử dụng thuốc lá thế hệ mới
Trong khi các nhà chuyên môn y khoa liên tục phát đi cảnh báo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng tới người sử dụng thì với mục tiêu lợi nhuận ngành công nghiệp thuốc lá lại tìm đủ chiêu thức tiếp cận tới giới trẻ.
Ông Đỗ Thế Sơn, giảng viên trường ĐH Thương Mại |
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020 cho thấy, hàng năm có 8 triệu người chết vì thuốc lá trên toàn thế giới. Trong khi đó, theo báo cáo của BAT năm 2017, số người sử dụng các sản phẩm có nicotin tăng 8 triệu người.
Đây cũng chính là mục tiêu của ngành công nghiệp thuốc lá là tìm kiếm người hút thuốc (khách hàng) thay thế (50% số người hút thuốc lá trưởng thành sẽ tử vong sớm).
Ông Đỗ Thế Sơn, giảng viên trường ĐH Thương Mại cho biết, song song với việc tập trung vào giới trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, các công ty vẫn đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ thuốc lá điếu truyền thống.
Theo tổng hợp trong báo cáo “Gây nghiện bằng mọi giá” của chương trình STOP năm 2020 cho thấy PMI sản xuất hơn 700 tỷ điếu thuốc lá vào năm 2019; tháng 3 và tháng 4 năm 2019, PMI vẫn tiếp thị nhãn hàng Mega Blast Capsule tại các sự kiện giành cho giới trẻ ở Argentina và Costa Rica.
Đến tháng 9 năm 2019, PMI tiếp tục nhắm vào giới trẻ khi quảng cáo thuốc lá điếu Marlboro sử dụng các quảng cáo có nhạc và bao bì tại Israel.
Trước đó 6 tháng vào tháng 3 năm 2019, tại Indonesia, PMI tiếp tục tung ra thị trường nhãn hiệu thuốc lá mới. Và đến tháng 9 năm 2019, PMI thông báo hợp đồng với công ty nội địa tại Uzbekistan bắt đầu sản xuất thuốc lá điếu Marlboro.
Song song với việc mở rộng sản xuất, ông Sơn cho biết ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng nhiều chiêu thức nhằm kích cầu giới trẻ sử dụng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này.
Theo đó, hầu hết người giới trẻ rất dễ dàng có thể mua được sản phẩm khi tại những điểm bán không thực hiện kiểm tra độ tuổi.
“Thậm chí, một cô gái 16 tuổi cũng dễ dàng sử dụng dịch vụ online để mua sản phẩm thuốc lá điện tử mà không cần ra khỏi nhà”, ông Sơn lo ngại.
Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng sẵn lòng thuê người mẫu, KOL trẻ tuổi để tiếp thị trên mạng xã hội. Bằng chứng là BAT đã thuê người mẫu dưới 25 tuổi tiếp thị sản phẩm GLO trên Instagram vào năm 2019.
Với cách thức đóng gói như kẹo, như USB ngành công nghiệp thuốc lá muốn kích cầu giới trẻ sử dụng sản phẩm thuốc lá điện tử |
“Đồng thời ngành công nghiệp thuốc lá cũng tổ chức sự kiện âm nhạc trẻ để tiếp thị sản phẩm, trong đó chuỗi sự kiện âm nhạc “Stay true, stay fress” – tiếp thị nhãn hàng Winstone năm 2018 lá ví dụ”, ông Sơn dẫn chứng.
Không dừng ở đó, theo ông Sơn các hãng thuốc cũng tập trung quảng bá sản phẩm thuốc lá điệnt ử như một lối sống mới đẳng cấp hơn, đưa hình ảnh bao thuốc vào các nội dung hấp dẫn giới trẻ như âm nhạc, thay đổi nhận diện thương hiệu để thu hút giới trẻ hơn với cách thức đóng gói như kẹo, như USB với giá rẻ và nhiều hương vị hấp dẫn giới trẻ…
Với tất cả những chiêu thức này, tỷ lệ người trẻ sử dụng thuốc lá điện tử ngày một gia tăng, bất chấp những cảnh báo độc hại như thuốc lá truyền thống của các nhà chuyên môn y tế đưa ra.
Theo đó, tại Mỹ nếu như năm 2011 chỉ 1,5% thanh thiếu niên 13- 15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử thì sau 7 năm (năm 2018) con số này đã tăng lên tới 27,5%. Tương tự tại Ý năm 2014, 8,4% thanh thiếu niên trong độ tuổi 13- 15 sử dụng thuốc lá điện tử thì năm 2018 đã tăng lên gấp đôi (17,5%).
Tương tự, tại Việt Nam theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy năm 2015 có 0,2% người tại Việt Nam hút thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Nhưng sau 4 năm (năm 2019) , tại kết quả điều tra sức khỏe học đường do tổ chức này thực hiện cho thấy, có đến 2,6% học sinh Việt Nam trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử.
“Thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng thực chất chỉ là chiến lược vì lợi nhuận, tiếp tục duy trì lượng người dùng các sản phẩm độc hại. Sản phẩm thuốc lá điếu vẫn là sản phẩm chủ đạo và tiếp tục được đẩy mạnh. Các công ty thuốc lá vẫn tiếp thị rất mạnh vào giới trẻ để thu hút thêm người dùng mới. Do đó, cần có khung pháp lý nhằm kiểm soát các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng”, giảng viên Đào Bá Sơn cho hay.
N. Huyền