Bộ trưởng Carter: Tranh chấp trên Biển Đông buộc các nước ngả về phía Mỹ
“Tính nghiêm trọng của cuộc tranh chấp trên Biển Đông đang khiến nhiều nước trong khu vực đẩy mạnh hợp tác quan hệ với Mỹ”, ông Carter trả lời báo chí vào ngày 1/11 trước khi tham gia đối thoại quốc phòng cấp cao tại Hàn Quốc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ không nói rõ quốc gia nào đã chủ động hướng về phía Mỹ.
Một chiếc trực thăng Mỹ đang đáp xuống boong tàu USS Lassen trên Biển Đông ngày 28/10. |
Ông Carter khẳng định ông sẽ đề cập đến những diễn biến mới ở Biển Đông trong cuộc họp quốc phòng sắp tới tại Malaysia, “trong đó đáng chú ý nhất đó là sự gia tăng về tốc độ cải tạo và xây dựng đảo cũng như tần suất hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc”.
Tại Biển Đông, Trung Quốc khẳng định phần lớn Biển Đông là một phần lãnh hải của mình và tuyên bố này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước trong khu vực. Mặc dù phần lớn các đảo tranh chấp đều không có người ở, các chuyên gia cho rằng chúng có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn.
Biển Đông cũng là một tuyến đường hàng hải quan trọng, đồng thời cũng là nơi đánh bắt thủy hải sản rất quan trọng đối với những người dân sinh sống trong khu vực.
Vào ngày 29/10, Tòa án Quốc tế La Hay đã quyết định xem xét đơn khiếu nại của Philippines về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Dự kiến tòa án sẽ đưa ra phán quyết của mình vào đầu năm sau. Trung Quốc cho biết họ sẽ không tham gia điều trần trước tòa án La Hay và sẽ không công nhận phán quyết, bởi theo họ quyết định này “được đưa ra mà không xét đến lợi ích của Trung Quốc”.
Malaysia và Brunei cũng khẳng định họ có vùng đặc khu kinh tế trên Biển Đông, được xác định bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Vào ngày 27/10, tàu USS Lassen của Hải quân Mỹ đã tiến vào khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông nhằm khẳng định Mỹ không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo tranh chấp. Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ động thái này của Mỹ và đưa ra tuyên bố rằng họ sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh và chủ quyền của mình.