Bộ GDĐT yêu cầu các cụm thi đặc biệt chú ý về đề thi THPT quốc gia
Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại Đồng Nai |
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về công tác chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia. Thứ trưởng cho biết, Đồng Nai là địa phương có số thí sinh dự thi đông thứ 2 sau TP.HCM với 9.542 thí sinh dự thi tại 409 phòng thi đặt ở 11 huyện và thành phố. Đây cũng là năm đầu tiên Đồng Nai tổ chức một kỳ thi lớn nên không tránh khỏi những khó khăn khi triển khai.
Tuy nhiên Thứ trưởng nhấn mạnh, các cụm thi phải thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo nhu cầu đi lại, ăn ở cho các thí sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh ở xa không đến được điểm thi.
Thứ trưởng cũng gợi ý, nếu một số điểm thi gần khu vực có doanh trại quân đội đóng có thể nhường chỗ, mở cửa cho thí sinh và người nhà, hỗ trợ những trường hợp thí sinh không kịp lo chỗ ở trọ, ở tạm trong mấy ngày thi.
Vấn đề cần chú trọng nữa đó là cụm thi không được chủ quan để xảy ra sai sót trong vấn đề đề thi. Thực tế và kinh nghiệm những kỳ thi trước cho thấy, dù đã tập huấn nhiều lần nhưng vẫn có thể xảy ra sai sót, vì vậy phải tập huấn rõ về quy chế cho giám thị coi thi.
Các cụm thi cần phối hợp với lực lượng công an địa phương nhằm đảm bảo an toàn trong việc vận chuyển đề thi, không được để xảy ra bất kì một sai sót, dù là nhỏ nhất. Đối với các tình huống thời tiết xấu, thiên tai gây ngập đường trong ngày thi cần phải tính toán kỹ để có giải pháp kịp thời, tránh tình huống vì thiên tai, thời tiết làm ảnh hưởng, làm thí sinh tới muộn, trễ khi đi thi.
Về việc chấm thi, cần lưu ý môn Ngoại ngữ tránh trường hợp sai sót vì môn thi có cả phần tự luận và trắc nghiệm. Để việc công bố điểm thi diễn ra thuận lợi, ngay từ bây giờ cần đảm bảo cơ sở hạ tầng, tránh trường hợp nghẽn mạng.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GDĐT cho biết, việc vận chuyển đề thi đặc biệt là ở các điểm thi thuộc cụm thi địa phương phải đảm bảo thời gian quy định. Các điểm thi ở cụm thi địa phương phải lưu ý điều này vì có nhiều điểm thi nằm ở các huyện vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, qua kiểm tra thực tế tại Đồng Nai cho thấy, trong danh sách phòng thi có những điểm thi đặt ở các trường tiểu học, bàn ghế thấp nên Bộ cũng có ý kiến phải xem xét lại, nếu cần thì thay đổi bàn ghế phù hợp cho thí sinh.
Trước đó, trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với ĐH Sư phạm TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức thi đã tương đối hoàn tất. Sở GDĐT TP.HCM và văn phòng 2 Bộ GDĐT đã chuyển toàn bộ hồ sơ thí sinh dự thi và trường đang tổ chức đối chiếu, chuẩn hóa danh sách, tiếp nhận yêu cầu và chỉnh sửa hồ sơ đăng ký dự thi.
ĐH Sư phạm TP.HCM đang chuẩn bị in ấn tài liệu coi thi, năm nay ngoài cụm thi do ĐH Sư phạm TP.HCM chủ trì, trường sẽ in đề thi cho các cụm thi: Cụm thi do ĐH Công nghệ thực phẩm chủ trì (7.843 thí sinh); cụm thi do ĐH Công nghiệp chủ trì (14.543 thí sinh); cụm thi do ĐH Luật TP.HCM chủ trì (7.416 thí sinh) và cụm thi của ĐH Giao thông vận tải (khoảng 6.000 thí sinh).
Dự kiến sẽ có 1.500 cán bộ coi thi đến từ 3 nguồn: cán bộ giảng dạy của trường, cán bộ giảng dạy của các trường ĐH nơi đặt điểm thi và giáo viên của các trường THPT do Sở phân bố. Về chấm thi, các môn thi trắc nghiệm sẽ chấm bằng máy, các môn tự luận sẽ do cán bộ giảng dạy của trường và giáo viên do Sở GDĐT TP.HCM phân công. Ngoài ra, dự kiến sẽ có 2 cụm thi do ĐH Ngân hàng TP.HCM và ĐH Luật TP.HCM chủ trì gửi chấm.