Bộ GD&ĐT sơ kết Đề án Văn hóa ứng xử học đường vào năm 2020, 2023
Trong Quyết định sô 1299 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Đề án Văn hóa ứng xử học đường giai đoạn 2018 – 2025 có nêu rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong quá trình thực hiện đề án.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT là cơ quan thường trực của Đề án; Chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức thực hiện Đề án.
Bộ GD&ĐT sẽ là đơn vị chủ trì, ban hành quy định về quy tắc ứng xử trong trường học, sử dụng từ năm học 2018 - 2019; ban hành Quy định tiêu chuẩn trường học xanh, sạch, đẹp.
Đồng thời, ban hành Kế hoạch triển khai Đề án trong ngành Giáo dục; biên soạn tài liệu, pano áp phích tuyên truyền và tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhà giáo về xây dựng văn hóa học đường và văn hóa ứng xử trong trường học; hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm tổ chức thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo sư phạm xây dựng các chuyên đề giáo dục văn hóa ứng xử bổ sung trong chương trình đào tạo giáo viên.
Bộ GD&ĐT cũng phải rà soát, hoàn thiện các văn bản liên quan đến chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; điều lệ các cấp học, quy chế đánh giá hạnh kiểm, kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên; quy chế tuyển sinh.
Ảnh minh họa |
Hằng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá, lấy ý kiến phản hồi từ các cơ sở giáo dục; phát hiện, nhân rộng và khen thưởng các tấm gương điển hình trong việc xây dựng văn hóa ứng xử.
Đồng thời tham mưu tổ chức sơ kết Đề án vào năm 2020, 2023; tổng kết Đề án vào năm 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai Đề án và đề xuất nội dung xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trong giai đoạn tiếp theo.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong toàn ngành để phát huy vai trò nêu gương của đoàn viên công đoàn trong thực hiện ứng xử văn hóa trong các trường học.
Đồng thời phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động tạo môi trường văn hóa trong trường học và tuyên truyền các mô hình văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên và đội ngũ giáo viên, giảng viên trẻ, cán bộ Đoàn, Hội, Đội trong trường học.
Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục góp phần trong công tác thi đua xây dựng trường học văn hóa, văn hóa ứng xử, thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự trong cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh thiết thực, thường xuyên, hiệu quả trong mỗi năm học.
Khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia tuyên truyền về trường học văn hóa, những hành vi ứng xử đẹp, phê phán hành vi chưa đẹp của những người xung quanh; nâng cao thẩm mỹ, nghệ thuật cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động giáo dục và quan tâm đến các sự kiện thời sự - chính trị của đất nước, quốc tế.
Tạo cơ chế để học sinh, sinh viên phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập, rèn luyện và tham gia giám sát các hoạt động nhà trường, việc thực hiện văn hóa ứng xử và dân chủ trong trường học; ngăn chặn các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.
Tăng cường giáo dục, định hướng để học sinh, sinh viên sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin mạng xã hội trong học tập, rèn luyện, hướng nghiệp, khởi nghiệp, giải trí lành mạnh và thể hiện ứng xử văn hóa trong môi trường mạng Internet, các mạng xã hội; thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng.
Bộ GD&DDT giao các cơ sở giáo dục xây dựng và phát huy hiệu quả trang thông tin điện tử của nhà trường, các hình thức phản ánh, trao đổi, thu thập, xử lý thông tin từ người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên nhà trường, gia đình người học, các cá nhân có liên quan khác về văn hóa ứng xử trong trường học và trên môi trường mạng; góp phần thực hiện dân chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thiết lập cơ chế tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời, đạt hiệu quả giáo dục đối với các hành vi bạo lực học đường, vi phạm quy tắc ứng xử cần xử lý.
Hoàng Thanh