Bộ GD&ĐT đề xuất phương án hoàn thiện cơ cấu hệ thống GD quốc dân
Điều chỉnh cơ cấu khung hệ thống giáo dục quốc dân
Quan điểm của Đề án là cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, về xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về giáo dục đã được xác định trong Nghị quyết 29;
Tuân thủ các quy định của Luật giáo dục (2005); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục (2009); Luật Giáo dục Đại học (2012); Luật Giáo dục Nghề nghiệp (2015) nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các Luật về giáo dục, đào tạo;
Đảm bảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sau khi hoàn thiện sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tiếp cận hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Nguyên tắc của Đề án: Điều chỉnh cơ cấu khung hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đảm bảo tính thống nhất, liên thông, liên kết, phù hợp giữa các ngành nghề, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hệ thống giáo dục nên được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống; tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi (cần hoặc không cần điều kiện bổ sung) giữa chương trình, trình độ đào tạo; người dân có cơ hội tích luỹ kiến thức và học tập suốt đời. Đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được của các trình độ, các loại văn bằng.
Giáo dục cơ bản là 9 năm thống nhất cho mọi địa bàn, mọi nhóm đối tượng; trung học phổ thông là 3 năm, học sinh có thể lựa chọn 3 luồng chính là định hướng chung (có tính hàn lâm/ khoa học như hiện nay), định hướng kỹ thuật/công nghệ, hay định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao).
Hệ thống đào tạo cần tập trung thành 3 luồng chính là luồng hàn lâm (các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu), luồng ứng dụng và luồng thực hành (nối các chương trình đào tạo kĩ năng mang tính thực hành ở bậc thấp với các chương trình đào tạo mang tính nghiệp vụ ở trình độ cao).
Hiện nay, việc triển khai xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức do nhận thức chưa rành mạch về giáo dục thường xuyên (giáo dục thường xuyên như một phân hệ của hệ thống giáo dục hay chỉ là một phương thức tổ chức hoạt động học tập).
Vì vậy, cần khẳng định rõ mọi phương thức tổ chức học tập ở mọi cấp trình độ đều có giá trị như nhau. Hệ thống giáo dục quốc dân với các cơ sở giáo dục như hiện nay sẽ cung cấp đồng thời các cơ hội học tập ban đầu và các cơ hội giáo dục tiếp tục (suốt đời) cho tất cả mọi nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng. Điều này sẽ góp phần giải quyết vấn đề phân biệt đối xử với các loại văn bằng chứng chỉ của hệ thống giáo dục.
Phương án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân
Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục bậc cao; giáo dục thường xuyên-học tập suốt đời. Trong đó:
Giáo dục mầm non gồm nhà trẻ và mẫu giáo.
Giáo dục phổ thông cơ bản không thay đổi, gồm: Tiểu học 5 năm; THCS 4 năm; THPT 3 năm. Giáo dục tiểu học và THCS (9 năm) chỉ có một luồng là giáo dục cơ bản.
Trung học phổ thông có 3 luồng, gồm: định hướng chung (có tính hàn lâm/khoa học như hiện nay), định hướng kỹ thuật/công nghệ, hay định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao).
Giáo dục nghề nghiệp gồm: Đào tạo sơ cấp 1 – 3; Trung cấp 3 năm (để đảm bảo khối lượng kiến thức phổ thông tối thiểu tương đương THPT); Cao đẳng 2-3 năm.
Giáo dục bậc cao gồm: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, đại học học từ 3-4 năm phân thành 3 luồng: Định hướng nghiên cứu; Định hướng ứng dụng; Định hướng thực hành. Thạc sĩ từ 1-2 năm, phân thành 2 luồng: Định hướng nghiên cứu; Định hướng ứng dụng.
Quá trình hoàn thiện Đề án
Đề án Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân được khởi động từ năm 2013, đã qua nhiều lần dự thảo. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan tới cơ cấu khung hệ thống như:
Cơ cấu, hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam qua các thời kì (1945 - nay), trong đó đánh giá thực trạng, chỉ ra các bước phát triển của hệ thống, sự đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
Hệ thống giáo dục Phần Lan, Cộng hòa Liên bang Đức, Israel, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, Thái Lan … (các nước trong khu vực có quan hệ hợp tác phát triển giáo dục với Việt Nam, các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới);
Thời lượng của giáo dục phổ thông trên thế giới; Kinh nghiệm quốc tế về phân loại và xếp hạng đại học; Mô hình Đại học Quốc gia ở một số nước; Hệ thống phân loại tiêu chuẩn quốc tế các chương trình giáo dục của UNESCO (ISCED); Khả năng vận dụng ISCED vào hệ thống giáo dục Việt Nam;
Các phương án điều chỉnh khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (04 phương án khác nhau đã được đề xuất); Vị trí hệ thống đào tạo nhân lực ngành y tế trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Các dự thảo Đề án đã được tổ chức lấy ý kiến tại các hội thảo do Bộ GD&ĐT chủ trì, với sự tham gia của các Bộ ngành, các cơ sở đào tạo và nhiều chuyên gia.
Dự thảo Đề án và báo cáo tóm tắt các đề xuất điều chỉnh cũng đã được trình bày tại nhiều phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo; Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực. Các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp, đóng góp ý kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và một số bộ ngành khác cũng như ý kiến của các tổ chức chính trị-xã hội qua các cuộc làm việc đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc.
Vấn đề còn ý kiến khác
1. Cách gọi tên 3 loại hình phổ thông chưa được nhất trí cao. Nếu chưa thống nhất được sẽ làm phát sinh ra loại hình trường mới, gây lãng phí.
Ý kiến của Bộ GD&ĐT về vấn đề này như sau: Các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình THPT theo định hướng kỹ thuật/công nghệ, định hướng năng khiếu sẽ giúp người học vừa trang bị kiến thức THPT hàn lâm, đồng thời có một số hiểu biết kỹ năng nghề để sau đó lựa chọn hướng của giáo dục nghề nghiệp phù hợp là một định hướng quan trọng đối với nước ta hiện nay.
Để thực hiện chương trình này, không nhất thiết hình thành trường trung học mới mà tùy theo khả năng đảm bảo về cơ sở vật chất và đội ngũ mà một cơ sở giáo dục (Đại học, Trường đại học, Trường cao đẳng, Học viện, Trường THPT) có thể được cấp có thẩm quyền cho phép.
2. Trình độ sơ cấp có thể coi là điều kiện để học tiếp lên trung cấp được không?
3. Thuật ngữ “giáo dục bậc cao” hay là “giáo dục đại học”. Theo đó bậc cao đẳng đã chuyển hẳn sang giáo dục nghề nghiệp, do đó sau 3 năm học có thể học cao đẳng hoặc đại học là cùng một khoảng thời gian. Điều này tạo ra tâm lý đi học đại học nhiều hơn.
4. Giáo dục thường xuyên - học tập suốt đời là một phương thức học tập. Bởi vậy có hay không đưa vào trong cơ cấu hệ thống.
5. Tại thời điểm xây dựng đề án có sự đối chiếu với ISCED 2011 nhưng do ISCED sẽ thay đổi theo thời gian nên không thể hiện trong văn bản Quyết định của Chính phủ (trừ sơ đồ).
6. Khung thời gian của một số cấp học, trình độ đào tạo có thay đổi so với các luật hiện hành; Bậc THPT có các định hướng khác nhau chưa được quy định trong luật nên có hay không việc sửa đổi, bổ sung các luật này trước khi Chính phủ ban hành Quyết định này.
7. Vấn đề liên thông và điều kiện chuyển tiếp giữa các cấp, bậc học chưa được thể hiện trong phương án của đề án, điều này cần giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể.
Kiến nghị, đề xuất
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được đề xuất trong tờ trình này có một số điều chỉnh so với các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về giáo dục như sau:
Giáo dục phổ thông không có thay đổi gì về cấu trúc so với Luật Giáo dục 2005 và Luật sửa đổi một số điều của Luật giáo dục 2009. Cơ cấu mới đề nghị khẳng định rõ tính phân luồng trong giáo dục THPT thông qua xác định các hướng chuyên sâu cho học sinh THPT là định hướng chung, định hướng kỹ thuật/công nghệ, hay định hướng năng khiếu. Học sinh muốn tham gia thị trường lao động sớm có thể theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp của giáo dục nghề nghiệp.
Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp không thay đổi về tên các trình độ và phân tầng giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học nhưng có điều chỉnh về thời gian đào tạo trình độ đại học (đề xuất 3-4 năm khác với quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật giáo dục: 4-6 năm) và trình độ tiến sĩ ( đề xuất 3-4 năm khác với quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật giáo dục: 2-4 năm). Các điều chỉnh này sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học.
Do vậy Bộ GD&ĐT kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sau khi được phê duyệt.
Nguồn GDTĐ