Bộ GD&ĐT đánh giá công tác giáo dục về chủ quyền biển, hải đảo Việt Nam
Về thuận lợi:
Thời gian thực hiện Đề án “Tăng cường công tác giáo dục về tài nguyên và môi trường biển hải đảo vào chương trình giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân”, công tác giáo dục về tài nguyên môi trường biển, hải đảo và chủ quyền biển, hải đảo Việt Nam nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về tài nguyên môi trường biển, hải đảo và chủ quyền biển, hải đảo được các đơn vị tổ chức thường xuyên và có hiệu quả. Công tác giáo dục đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ đảng viên, giáo viên, học sinh và sinh viên trong toàn ngành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thể chế hóa chính sách pháp luật nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền biển, hải đảo và giáo dục chủ quyền biển đảo một cách cụ thể. Những nội dung về giáo dục chủ quyền biển, hải đảo được lồng ghép vào các kế hoạch giáo dục và đào tạo của các cấp học và trình độ đào tạo, gắn giáo dục và đào tạo với bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo; tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động về bảo vệ chủ quyền của ngành giáo dục.
Công tác quản lý nhà nước về giáo dục tài nguyên môi trường biển, đảo và chủ quyền biển đảo được hoàn thiện từng bước.
Các tài liệu tích hợp/lồng ghép giáo dục về tài nguyên biển, hải đảo và chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông được biên soạn cho các cấp học từ mầm non đến đại học.
Các tài liệu tuyên truyền về chủ quyền biển Đông của Việt Nam dành cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đã được biên soạn và xin ý kiến góp ý của Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao.
Một số hạn chế:
Nhận thức về tài nguyên biển đảo và chủ quyền biển đảo trong một bộ phận giáo viên và học sinh chưa được cao. Sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục tài nguyên biển, đảo và chủ quyền biển đảo chưa được chặt chẽ.
Về hệ thống cơ quan quản lý giáo dục về tài nguyên biển đảo và chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại biển Đông: Hệ thống cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước ở các cấp cơ bản đã được kiện toàn và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nhiệm vụ giáo dục về tài nguyên biển đảo và chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại biển Đông ở cấp cơ sở chưa được chú trọng, quan tâm.
Thực tế, nhiều học sinh phổ thông vẫn thiếu kiến thức về biển đảo và chủ quyền biển đảo, do số lượng bài học về biển đảo còn hạn chế trong chương trình sách giáo khoa Địa lý, sách giáo khoa Lịch sử, sách Giáo dục công dân.
Về nguyên nhân:
Công tác kiểm tra giám sát các hoạt động giáo dục tài nguyên môi trường biển đảo và chủ quyền biển đảo chưa được sát sao.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giáo dục tài nguyên biển, đảo và chủ quyền biển đảo chưa mạnh mẽ, toàn diện và sinh động.
Một số cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên chưa nhận thức đầy đủ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại biển Đông và trách nhiệm tuyên truyền, có ý thức bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc.
Một số kiến nghị:
Tiếp tục tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng đối với công tác tuyên truyền về tài nguyên biển đảo và chủ quyền biển đảo.
Cần có chính sách và cơ chế tài chính mạnh mẽ cho giáo dục tài nguyên biển đảo và chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại biển Đông.
Cần có giải pháp tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo vệ chủ quyền.
Riêng đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức, triển khai xây dựng Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Các kết quả nghiên cứu về biên giới, hải đảo và bảo vệ môi trường biển, hải đảo sẽ được xem xét và vận dụng để biên soạn chương trình và sách giáo khoa cho các cấp học trong thời gian tới, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước nói chung, chủ quyền biển đảo Việt Nam nói riêng.