Bình rượu rắn hổ mang nhưng...chỉ là rắn nước, rắn nhựa
“Tốn cả triệu bạc mua bình rượu quý gửi về quê biếu ông già vợ không ngờ lại bị mang tiếng là cho rượu đểu”, anh Phú, nhà ở quận 12, TPHCM, cười mếu khi kể lại chuyện dịp tết rồi anh mua một bình rượu rắn hổ mang nhưng hóa ra chỉ là rắn nước. Song anh Phú còn may mắn hơn những người mua nhầm rượu ngâm rắn… nhựa.
Rắn nhựa, rắn nước đều thành hổ mang
Cùng chung cảnh ngộ với anh Phú, anh D., nhà ở quận Tân Bình, TPHCM, kể: “Thấy người ta bán dạo một bình rượu ngâm bốn, năm loại rắn quý như hổ mang, mái gầm… giá chưa tới 1 triệu đồng nên tui mua đem biếu cho ông chú uống tẩm bổ. Không ngờ uống xong ổng phát hiện trong bình có đến hai con rắn làm bằng nhựa nên gọi điện thoại mắng vốn. Thiệt tình mỗi khi nhắc lại chuyện này tui quê đến nỗi chỉ muốn chui xuống đất”.
Nghe chuyện nhiều người mua nhầm rượu rắn đểu, ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, chia sẻ: “Họ làm giả tinh vi lắm, nếu chỉ nhìn trong bình rượu thì đến dân kiểm lâm cũng khó phân biệt được”. Đưa cho chúng tôi xem mấy bức ảnh cận cảnh rắn độc phình mang ngâm mình trong bình rượu, ông Cương giải thích: “Đây chỉ là rắn nước, rắn ráo nhưng sau khi các đối tượng bán rượu rắn dùng chỉ căng cho mang phình ra thì trông giống hệt rắn hổ mang”. Ông Cương cho biết những bức ảnh trên chụp được khi lực lượng kiểm lâm kết hợp với công an địa phương kiểm tra một điểm làm rượu rắn dỏm ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12 (TPHCM). Tại đây, ngoài một đống bình rượu rắn dỏm đã thành phẩm còn có hàng ngàn con rắn chết (chủ yếu là rắn nước, rắn bông súng) sắp được “gia công” thành rắn hổ mang để ngâm rượu bán.
Rượu rắn dỏm được phát hiện ở quận 12, trong đó có nhiều bình ngâm rắn nước được “gia công” thành rắn hổ mang. (Ảnh do Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cung cấp)
Một cán bộ kiểm lâm cho biết hiện nay các đối tượng bán rượu rắn thường tản ra các quận, huyện ngoại thành và hoạt động khá kín đáo chứ không công khai và tập trung ở khu vực nội thành như trước đây. Tuy nhiên, cách thức làm rượu rắn dỏm vẫn như cũ. Đó là thu gom rắn chết ở các điểm bán rắn trái phép về ngâm rượu hoặc dùng các loài rắn rẻ tiền như rắn nước, rắn bông súng về “gia công” thành rắn độc để lừa người mua. Thường một bình rượu ngâm khoảng năm con rắn dỏm được bán với giá trên dưới 1 triệu đồng.
Coi chừng trúng độc
BS Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang), cho biết nếu đúng là rắn hổ mang thật thì một ký rắn ngâm với khoảng 10 lít rượu có giá tới 4 triệu đồng. Do đó một bình rượu có đến bốn, năm con rắn hổ mang mà chỉ bán với giá trên dưới 1 triệu đồng thì nhiều khả năng là rắn dỏm.
BS Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cảnh báo người uống phải rượu ngâm rắn nhựa có thể bị ngộ độc do ngâm lâu ngày nên nhựa có thể bị phân hủy ngấm vào rượu. “Rượu rắn gồm hai phần: rượu và rắn. Vậy phải xem rượu dùng để ngâm rắn là rượu gì, có độc hại hay không. Còn rắn cũng vậy, nếu là rắn thật, kể cả rắn độc hay không độc, cũng phải tuân thủ theo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu mua rượu rắn không rõ nguồn gốc, lại trúng phải rắn chết lâu ngày thì uống vào sẽ không tốt cho sức khỏe” - BS Nhân phân tích.
Ông Nguyễn Đình Cương cho biết thêm để tạo được hình dáng con rắn trong tư thế phình mang nằm trong bình rượu, người ta thường dùng chất formol để tẩm ướp. Do đó, nếu các đối tượng bán rượu rắn cũng dùng cách này để biến rắn dỏm thành rắn xịn thì người uống phải loại rượu này sẽ rất nguy hiểm.
“Đã hai năm rồi từ khi chứng kiến cảnh người ta dùng rắn thối để ngâm rượu ở quận 12, đến bây giờ mỗi khi nghe nói đến rượu rắn, tôi vẫn còn nổi da gà, ớn nhợn”, ông Cương nói.
Bán rắn xịn, bị phạt tù
Theo ông Nguyễn Đình Cương, các đối tượng bán rượu rắn dạo ở TP.HCM hầu hết đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc của rắn. Do đó, đối với những trường hợp bán rắn dỏm như rắn nước, rắn ráo… (là động vật hoang dã) với số lượng nhiều thì theo Nghị định 99/2009 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ rừng và lâm sản, mức phạt tiền có thể lên tới 500 triệu đồng. Còn nếu bán rượu rắn thật như rắn hổ mang, hổ mang chúa thuộc nhóm IB (động vật hoang dã quý hiếm) thì có thể bị xử lý hình sự.