Bình Phước: Giá "vàng đen" bật tăng, người trồng đã vui trở lại
Sau một thời gian giá 'vàng đen' xuống thấp kỷ lục ở mức 35-40 ngàn đồng/kg thì vài tháng gần đây, giá luôn giữ vững đà tăng và vượt ngưỡng 80 ngàn đồng/kg.
Cây hồ tiêu được ví là "vàng đen" của Việt Nam. Những ngày gần đây, tại Bình Phước không còn cảnh tiêu chín đỏ trên cây mà không buồn thu hái, cũng không còn cảnh ế ẩm, phải bán tiêu giá chạm đáy rồi chịu thua lỗ nặng, ngập trong nợ nần, những ngày này, người dân ở các vùng trọng điểm trồng tiêu của tỉnh như: Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đốp… đang hối hả vào vụ thu hoạch trong sự phấn khởi. Mặc dù được giá, không được mùa do nhiều năm liền cây tiêu chỉ được chăm sóc cầm chừng, ảnh hưởng thời tiết dẫn đến sản lượng giảm nhưng người trồng vẫn vui. Bởi vụ tiêu năm nay, sản lượng giảm nhưng chất lượng lại nâng lên; tình trạng tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm đã giảm đáng kể.
Vực dậy cây tiêu trong bạo bệnh
Những năm trước, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập được xem là thủ phủ tiêu của tỉnh. Thế nhưng, dịch bệnh tấn công đã khiến diện tích tiêu ở đây bị thu hẹp, nhiều hộ rơi vào cảnh tay trắng, phải chặt bỏ, thay thế bằng các loại cây ăn trái khác. Không đành lòng nhìn tài sản, công sức của mình đổ sông đổ biển, những hộ nhiều năm gắn bó đã gắng gượng tìm mọi cách “cứu” vườn tiêu.
Giá tiêu tăng, nông dân xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập phấn khởi thu hoạch
Để giữ được vườn, bà Trần Thị Tơ ở thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ đã dốc hết những đồng vốn còn lại để chăm sóc với hy vọng cây tiêu sẽ không phụ công mình. “Từ 3.000 nọc tiêu giờ gia đình chỉ còn 1.700 nọc. Chỗ đất có những nọc chết, tôi đều xử lý đất và trồng dặm lại, sang năm sẽ cho trái bói. Năm ngoái cả vườn chỉ thu được 1,5 tấn nhưng năm nay dịch bệnh giảm hẳn, cây tiêu đang “khỏe” lại, dự kiến thu trên 3 tấn. Với giá thương lái thu mua từ 87-89 ngàn đồng/kg, tôi đang thuê 5 nhân công để thu hái cho nhanh” - bà Tơ chia sẻ.
Vườn tiêu 1 ha của gia đình chị Phạm Thị Ngọt ở cùng thôn Bù Bưng đang cho thu hoạch năm thứ 6. Mặc dù được chăm sóc khá kỹ song dịch bệnh cũng làm vườn tiêu chết gần một nửa. Dù đang nợ ngân hàng gần 1 tỷ đồng nhưng không vì thế mà chị bỏ vườn. Sau mỗi vụ thu hoạch, chị đều duy trì chăm sóc đúng kỹ thuật, đầu tư phân bón, thuốc gần 40 triệu đồng để vực dậy vườn tiêu. Vì vậy, vụ tiêu năm nay năng suất tăng gấp đôi so với năm ngoái. “Với giá thương lái thu mua hiện tại, tôi hy vọng vài ngày tới giá tiêu sẽ nhích dần lên để có tiền trả bớt nợ ngân hàng” - chị Ngọt nói.
Gần đây, giá tiêu liên tục tăng “nóng” sau gần 4 năm liên tiếp lao dốc. Giá tiêu tăng theo ngày khiến không ít người trồng tiêu đặt kỳ vọng cây trồng này tiếp tục trở lại thời kỳ hoàng kim. “Với mức giá tiêu hiện nay, người trồng mới chỉ ở mức hòa vốn chứ chưa có lãi nhiều. Do nhiều năm nay giá tiêu luôn ở mức thấp, nhiều vườn không được đầu tư, chăm sóc dẫn tới sản lượng thấp. Trong khi đó, giá thuê nhân công thu hoạch, các chi phí phân bón, thuốc ngày một tăng cao. Tôi theo dõi tin tức về giá tiêu, sẽ còn tăng trong thời gian tới nên tôi đang phơi khô, trữ lại chờ giá cao hơn nữa mới bán” - ông Lương Văn Trung, thôn 2, xã Đắk Ơ bộc bạch.
“Vàng đen” trả công người gắn bó
Khi giá tiêu xuống thấp, anh Phạm Thanh Chung ở tổ 5, ấp Bù Tam, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh không bỏ vườn mà ngược lại, đầu tư chăm sóc nhiều hơn theo hướng hữu cơ sinh học và thương mại hóa sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm.
Thời điểm nắng nóng, có những ngày nhiệt độ lên đến 380C, thế nhưng vườn tiêu của gia đình anh vẫn được cung cấp đủ nước và chuyển đổi từ thuốc hóa học, phân bón vô cơ sang sản xuất sạch theo hướng hữu cơ bền vững. Trong giai đoạn khó khăn, không ít hộ bỏ vườn vì tiêu chết nhưng 2 ha tiêu của gia đình anh vẫn xanh mướt, gié tiêu trĩu hạt, năng suất bình quân từ 5-6 tấn/ha. Điều đó chứng minh rằng, chỉ khi nào đặt toàn tâm toàn ý, dành hết tâm huyết chăm sóc thì cây tiêu mới không phụ công người trồng.
Giá tiêu tăng là tín hiệu đáng mừng. Đây là cơ hội cho người trồng tiêu vực dậy sau nhiều năm dịch bệnh, giá bị đẩy xuống thấp. Để bảo đảm sản xuất hồ tiêu bền vững, tránh rủi ro về giá, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không tăng diện tích mà tập trung chăm sóc theo hướng hữu cơ để cải tạo đất, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng, thận trọng khi tái đầu tư vào cây tiêu. Bởi hiện nay, giá thành vẫn chưa ổn định, có sự tăng “nóng” bất thường, trong khi sản lượng giảm mạnh. |
Bà Lê Thị Ánh Tuyết Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Khi giá tiêu xuống thấp, anh Chung đã nghĩ ra cách chế biến hạt tiêu từ nguồn nguyên liệu sạch của gia đình thành nhiều loại gia vị tiện dụng ăn liền như: muối tiêu lá chanh, hạt tiêu đen xay bột, tiêu đỏ xay bột, tiêu lốt ngâm giấm tỏi, tiêu xanh ngâm giấm tỏi… nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. “Sản phẩm đã được công nhận hữu cơ nên mỗi vụ tôi còn bán được 2 tấn tiêu xanh cho khách hàng ở Nhật Bản với giá 120-160 ngàn đồng/kg. Hiện nay, tôi cũng đang liên kết 9 hộ trồng tiêu hữu cơ thành lập Hợp tác xã tiêu sạch Lộc Quang. Tiêu trồng theo quy trình hữu cơ đang được Công ty gia vị Nedspice mua với giá cao hơn giá thị trường từ 3-5 ngàn đồng/kg” - anh Chung cho biết.
Giá tăng do đâu?
Theo nhận định của các doanh nghiệp thu mua tiêu, nguyên nhân giá tiêu tăng trong những ngày gần đây là do mấy năm trở lại đây, nguồn cung ở Việt Nam và nhiều nước sản xuất hạt tiêu trên thế giới giảm mạnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh khiến nhiều vườn tiêu bị chết hàng loạt. Đồng thời do giá tiêu giảm thấp ở mức kỷ lục nên người trồng tiêu không đầu tư, thậm chí chặt bỏ để thay bằng loại cây trồng khác. Thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh (25,3%) so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng hàng nhập khẩu lại tăng hơn 13%.
Giá tiêu đang tăng từng ngày khiến người trồng tiêu nuôi lại hy vọng có nguồn thu tốt hơn từ cây tiêu, loại cây từng được ví là “vàng đen” một thời. Tuy nhiên, nhiều hộ trồng vẫn trữ tiêu, chưa bán ra. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo nông dân nên cân nhắc việc bán tiêu đúng thời điểm, không vì giá tăng cao mà trữ hàng, tránh rủi ro khi giá xuống.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh những năm gần đây khiến diện tích tiêu toàn tỉnh từ hơn 17.000 ha giảm còn khoảng 15.800 ha. Mặt khác, do giá tiêu giảm thấp nên người trồng ít đầu tư, thậm chí chặt bỏ thay bằng các loại cây trồng khác nên sản lượng tiêu bình quân toàn tỉnh năm nay sụt giảm 20-30%. Tuy nhiên, mặc dù diện tích, sản lượng giảm nhưng bù lại chất lượng được nâng lên do nông dân đầu tư chăm sóc theo hướng hữu cơ, ít lạm dụng phân hóa học. Hiện toàn tỉnh có khoảng 30% diện tích tiêu được đánh giá đạt chuẩn hữu cơ và không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường.
Sốt đất ở Bình Phước: Chớ thấy sốt nóng đã vội ‘nhảy’ vào rồi ‘mắc cạn’
Thông tin Bình Phước đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch sân bay lưỡng dụng có quy mô 500ha khiến 1 mảnh đất quanh khu vực này liên tục được ‘đẩy’ giá lên hàng chục tỷ chỉ trong một ngày...
Theo baobinhphuoc.com.vn