Bình Phước: 14 sản phầm từ hạt điều được xếp hạng 4 sao
14 sản phẩm từ hạt điều của các startup vừa lọt vào danh sách 21 sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm") của tỉnh Bình Phước đều được xếp hạng 4 sao.
Trong số 21 sản phẩm của 6 doanh nghiệp, 1 hộ và 2 cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) của tỉnh Bình Phước đã được công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Bình Phước với thứ hạng từ 3 đến 4 sao; trong đó, 14 sản phẩm hạt điều đều đạt 4 sao.
Ảnh minh họa |
14 sản phẩm hạt điều đều đạt 4 sao bao gồm: Điều nhân, điều mật ong, điều rang tỏi, điều rang muối, điều wasabi (Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phúc Thịnh Winut – Thị xã Phước Long); điều rang muối và điều không rang muối (Công ty TNHH Hạt Điều Vàng – Huyện Phú Riềng); điều phô mai, điều tỏi ớt, điều Yum Thái, điều chanh muối, bánh Cashewpie... (Công ty TNHH Vinahe – Thị xã Phước Long); điều rang muối vỏ lụa (Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Bảo 2- TP. Đồng Xoài) và điều rang muối (Cơ sở SXKD Như Hoàng – Huyện Bù Đăng).
Hạt điều Bình Phước có chất lượng vượt xa hạt điều nhập khẩu nên được đánh giá có chất lượng ngon nhất thế giới và được sử dụng để chế biến thành những sản phẩm đa dạng, mang nhiều hương vị độc đáo.
7 sản phẩm còn lại được OCOP của tỉnh gắn 4 sao và 3 sao, gồm: Cà phê nguyên chất Công Bình Phước (Công ty TNHH MTV Công Phát - TP. Đồng Xoài) đạt 4 sao; 6 sản phẩm còn lại là: Yến sào Nam Phú (Công ty TNHH MTV Yến Sào Nam Phú - Huyện Chơn Thành), mật ong Sông Bé (Cơ sở SXKD Vũ Tiến Hoàng - TP. Đồng Xoài), hạt tiêu đen, hạt tiêu sọ, muối tiêu và mít sấy Cô Hai (Hộ SXKD Võ Thị Hiền - Huyện Bù Gia Mập) được gắn 3 sao.
Bình Phước hiện được xem là “thủ phủ" của cây điều với diện tích 175.000 ha, chiếm gần 50% diện tích và hơn 54% sản lượng điều của cả nước. Thương hiệu “hạt điều Bình Phước" đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp “chỉ dẫn địa lý". Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Bình Phước đạt khoảng 600 - 800 triệu USD/năm, dự kiến đến năm 2025 là 900 triệu USD và đến năm 2030 sẽ đạt 1 tỷ USD.
Hiện nay, Bình Phước lấy chế biến làm trung tâm và tăng cường xúc tiến đầu tư với các nước trên thế giới để có nguồn nguyên liệu chính thống và chất lượng phục vụ cho chế biến. Đối với sản xuất hạt điều, tỉnh định hướng đến năm 2025, tăng năng suất lên 2,5 tấn /ha và thâm canh để nâng cao chất lượng, tập trung các chuỗi liên kết để đảm bảo đầu ra cho nông sản, đồng thời xây dựng các chuỗi điều hữu cơ theo đặt hàng của các doanh nghiệp, hướng tới xây dựng thương hiệu Điều Bình Phước từ chứng nhận chỉ dẫn địa lý đã có.
Gần đây, ngành điều Bình Phước đón nhận tin vui khi một tập đoàn của Hà Lan đã quyết định đầu tư dự án trị giá 250 triệu USD tại Bình Phước nhằm phát triển vùng nguyên liệu, chế biến sâu và sản xuất dầu vỏ hạt điều tinh lọc xuất khẩu.
PV