Bình Định: Huyện Tuy Phước có 6/11 xã đạt chẩn Nông thôn mới
Hệ thống kênh mương được kiên cố hoá |
Phát triển hệ thống thuỷ lợi nội đồng
Tuy Phước, Bình Định là huyện thuần nông, trồng lúa, màu, rau câu, mía, cây ăn quả, chăn nuôi bò, gia cầm, cá, tôm, đánh bắt và chế biến hải sản. Công nghiệp kém phát triển, chủ yếu là sản xuất xi măng, đá xây dựng, khai thác cao lanh.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) huyện Tuy Phước tập trung đầu tư vào xây dựng hệ thống thuỷ lợi, bên tông hoá kênh mương. Nhiều xã đã có hệ thống tưới tiêu được kiên cố hoá.
Tại xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, UBND xã đã tiến hành kiên cố hóa 6 tuyến kênh mương nội đồng ở các thôn: Phục Thiện 600 m; Định Thiện Tây 170 m; Định Thiện Đông 600 m, Văn Quang 600 m; Quảng Điền 400 m; Luật Bình 800 m, với tổng chiều dài 6 tuyến kênh mương là 3,17 km. Thiết kế mỗi tuyến kênh có chiều rộng từ 0,45- 0,5 m; chiều cao từ 0,6- 0,8 m; dày 0,12- 0,15 m, được thi công theo hình thức đổ bê tông tại chỗ.
Với tổng kinh phí 3.150 triệu đồng, trong đó 30% giá trị tiền xây lắp từ nguồn hỗ trợ của Tỉnh, phần còn lại do ngân sách Huyện và ngân sách địa phương.
Xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) đã đầu tư 1,7 tỉ đồng bê tông tuyến kênh tưới từ cống Mười Luân đến giáp đường liên xã Phước Thắng đi Cát Chánh có chiều dài hơn 1 km, kết hợp làm đường nội đồng.
Đây là kênh dẫn nước vừa tưới vừa tiêu úng nên được đúc bê tông lòng kênh rộng 0,8 mét, đáy dày 15 cm, chiều cao kênh 1 mét. Kinh phí đầu tư từ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh và ngân sách huyện, xã và nhân dân vùng hưởng lợi đóng góp.
Người dân trong huyện rất quyết tâm xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nhà nước và nhân dân cùng làm.
Tăng thu nhập cho người dân
Trong 6 năm qua (2010-2016), huyện Tuy Phước đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh; kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, ngành nghề. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên. Củng cố và tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn, phát huy dân chủ cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập người dân tăng nhanh.
Tính đến nay, toàn huyện đã có 6/11 xã đạt chuẩn NTM (Phước An, Phước Thành, Phước Nghĩa, Phước Hưng, Phước Lộc và Phước Sơn), tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn trên 235 tỉ đồng. Toàn huyện có hơn 427 km/638 km được bê tông nhựa và bê tông xi măng, chiếm 66,9% tổng số tuyến đường giao thông trong huyện. Nhân dân 11 xã nằm trong Chương trình XDNTM của huyện đã tự nguyện hiến gần 50.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Đã kiên cố hóa trên 92 km kênh mương nội đồng. Cơ sở vật chất văn hóa, trường học được tăng cường, các chợ nông thôn xây dựng ngày càng bài bản…
Trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đã hình thành được vùng sản xuất lúa và nuôi tôm tập trung, đồng thời xây dựng hàng loạt mô hình sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân giải quyết hữu hiệu việc làm cho lao động nông thôn.
Để đạt tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2016-2020, Huyện ủy, UBND huyện Tuy Phước đã ban hành và triển khai Chương trình hành động, kế hoạch, mục tiêu phấn đấu cán đích huyện NTM vào năm 2019, đòi hỏi cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trên địa bàn đã và đang trong quá trình XDNTM cần có kế hoạch cụ thể hóa Chương trình hành động của Huyện ủy, nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM để bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững.