Biên phòng Đà Nẵng lật tẩy thủ đoạn mới của TQ xâm phạm chủ quyền biển, đảo
Tàu BĐBP Đà Nẵng sát cánh cùng tàu cá của ngư dân trên biển để bà con ngư dân yên tâm bám biển sản xuất và bảo vệ chủ quyền vùng biển quốc gia - Ảnh: HC |
Tàu Trung Quốc diễn tập quân sự, trấn áp, xua đuổi tàu cá Đà Nẵng
Thông tin trên được Đại tá Nguyễn Quốc Bình đưa ra tại hội nghị đánh giá công tác phối hợp năm 2012 và triển khai kế hoạch phối hợp năm 2013 về quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và quản lý, bảo vệ rừng do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Sở NN-PTNT Đà Nẵng tổ chức chiều 27/3.
Theo đó, trong năm 2012, BĐBP Đà Nẵng đã phát hiện 53 lượt chiếc loại tàu hộ vệ tên lửa, tên lửa tấn công nhanh, tàu trinh sát, tàu ngư chính hoạt động trên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đáng chú ý, trong thời gian từ 29/5 - 16/6/2012, hàng ngày có từ 10 - 50 tàu tổ chức diễn tập quân sự và đã có nhiều hành động trấn áp, xua đuổi tàu cá của ngư dân ta.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tiến hành khảo sát thăm dò dầu khí; cản trở, bắt giữ tàu thuyền khai thác hải sản của ngư dân ta tại khu vực Hoàng Sa; đơn phương công bố lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông từ ngày 16/5 - 1/8/2012; ngang nhiên mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; tổ chức đội tàu gồm 29 tàu cá với sự hỗ trợ của tàu ngư chính trắng trợn xâm phạm chủ quyền Việt Nam (ngày 13/7/2012 hành quân qua khu vực Thăng Long/Tây Nam đảo Tri Tôn từ 50 - 60 hải lý).
"Mặt khác, Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm của huyện đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng cùng huyện đảo Trường Sa của Khánh Hoà; diễn tập hoạt động đội tàu Hải giám trên vùng biển Trường Sa; thành lập khu cảng bị Tam Sa... đã gây nên tình hình vô cùng phức tạp trên biển Đông, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho ngư dân ta khi ra khơi sản xuất" - Đại tá Nguyễn Quốc Bình nói.
Những thủ đoạn của Trung Quốc
Ông Bình cũng cho biết, tàu thuyền đánh cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam cũng đang tăng cả về số lượng và mật độ. Thông qua mạng thông tin trinh sát biển và theo báo cáo của ngư dân, trong năm 2012, BĐBP Đà Nẵng đã phát hiện 717 lượt tàu cá Trung Quốc trên khu vực Đông - Bắc Đà Nẵng từ 25 - 45 hải lý (tăng 553 lượt so với năm 2011).
"Thủ đoạn hoạt động của các tàu này liên tục thay đổi, đi thành từng tốp có số lượng đông, sử dụng tàu cá có công suất lớn đi trước hỗ trợ cho hoạt động của tốp đi sau; hoặc sử dụng tàu sắt lớn đi giữa bảo vệ cụm tàu 4 - 10 chiếc ngang nhiên tranh lấn ngư trường, xua đuổi tàu cá của ngư dân Đà Nẵng" - Đại tá Nguyễn Quốc Bình nêu rõ.
Trước tình hình trên, BĐBP Đà Nẵng đã chủ trì phối hợp với Sở NN-PTNT báo cáo, tham mưu với Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ NN-PTNT và UBND TP Đà Nẵng để theo dõi, chỉ đạo xử lý. Đồng thời tổ chức 1 biên đội gồm 6 tàu tuần tra xua đuổi 3 tốp với 50 lượt chiếc tàu đánh cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân hiểu được pháp lý chủ quyền vùng biển Việt Nam để yên tâm bám biển phát triển sản xuất kinh tế biển.
Đặc biệt, Đại tá Nguyễn Quốc Bình cho biết, vào ngày 22/7/2012, 2 tàu cá với 8 lao động của ngư dân Đà Nẵng trong lúc đang hành nghề hợp pháp trên vùng biển Việt Nam đã bị tàu Ngư Chính 310 của Trung Quốc kiểm tra, thu giữ trái phép một số ngư cụ và hải sản trị giá khoảng 50 triệu đồng
"Tàu ngư chính Trung Quốc buộc ngư dân Đà Nẵng điểm chỉ vào tờ giấy trắng nhưng không ghi nội dung, sau đó quay phim, chụp ảnh rồi thả về. Có thể đây là thủ đoạn mới của phía Trung Quốc nhằm tạo chứng cứ giả để đấu tranh với ta. Bộ chỉ huy BĐBP Đà Nẵng đã phối hợp với Sở NN-PTNT báo cáo, tham mưu với Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ NN-PTNT và UBND TP Đà Nẵng để theo dõi, chỉ đạo và đề nghị phản ảnh đấu tranh ngoại giao" - Đại tá Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh.
Ngư dân hợp sức cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền vùng biển
Theo báo cáo của liên ngành BĐBP và Sở NN-PTNT Đà Nẵng, trong năm 2012, hai bên đã phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền về biển, đảo của Việt Nam; quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và quy định của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến ngư dân khi tham gia hoạt động sản xuất trên biển.
Mặt khác, triển khai hợp đồng thông tin biển với các phương tiện nghề cá có trang bị máy thông tin ICOM, thường hoạt động dài ngày trên biển. Qua đó, ngư dân đã cung cấp cho BĐBP Đà Nẵng 320 nguồn tin, trong đó có 251 nguồn tin có giá trị phục vụ tốt cho công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
BĐBP Đà Nẵng cũng duy trì đảm bảo thông tin liên lạc với các tàu cá đánh bắt xa bờ được 6.895 phiên/27.475 lượt tàu. Qua đó đã kịp thời thông tin cho ngư dân về tình hình thời tiết trên biển; hướng dẫn, bảo vệ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất và kết hợp thực hiện công tác bảo vệ chủ quyền, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Theo kế hoạch năm 2013, BĐBP và Sở NN-PTNT Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức các đợt phối hợp công tác vừa tuyên truyền, vừa tuần tra, kiểm soát tại các trạm kiểm soát biên phòng và trên vùng biển Đà Nẵng; tăng cường giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ, đội tàu đánh bắt xa bờ; tiếp tục thực hiện kết nối thông tin liên lạc thông suốt giữa các tổ, các tàu xa bờ trên biển với BĐBP Đà Nẵng và Sở NN-PTNT TP...