Biện pháp mạnh trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển Hà Tĩnh
Dù trải qua nhiều biến động trong lĩnh vực khai thác thủy sản do sự cố môi trường biển, nhưng công tác bảo vệ, ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp luôn được Hà Tĩnh đặt hàng đầu.
Hà Tĩnh ít vi phạm khai thác hải sản ở vùng cấm và vùng biển giáp ranh |
Để bảo tồn, bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản từ đẩu năm 2017 đến nay, Chi cục thủy sản Hà Tĩnh phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát khai thác thủy sản ven bờ, các cửa sông, cửa biển.
Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện hàng chục tàu dã kéo sử dụng lưới kích thước mắt nhỏ kích điện khai thác theo kiểu hủy diệt. Cao điểm nhất là vào các tháng 4, 5, 6, 7 đây là hình thức khai thác bất hợp pháp cần ngăn chặn nhằm duy trì sinh kế lâu dài cho cộng đồng.
Theo như Chi cục thủy sản Hà Tĩnh, trong năm 2017 đơn vị đã tổ chức các đợt tập huấn, tuyên truyền đến ngư dân toàn tỉnh và đội tàu các tỉnh lân cận như: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi… không sử dụng công cụ giã kéo, kích điện khai thác thủy sản theo kiểu hủy diệt. Đồng thời triển khai mô hình tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ, nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, đặc biệt trong mùa sinh sản.
Ông Nguyễn Tông Thắng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, từ trước đến nay tàu thuyền của Hà Tĩnh luôn hưởng ứng và chấp hành nghiêm chủ trương không tiến hành khai thác hải sản ở những vùng cấm, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với các nước khu vực khi chưa ký kết hiệp định khai thác đánh bắt chung.
Tránh khai thác thủy sản bất hợp pháp, chi cục thường xuyên tuyên truyền, tập huấn sâu rộng đến ngư dân về nội dung khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua các văn bản pháp luật, các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến biển, đảo của Nhà nước như: Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); Luật biển Việt Nam, Luật Thủy sản… ông Thắng nói.
Trên thực tế, tình trạng đánh bắt trái quy định theo kiểu tận diệt (sử dụng xung điện, thuốc nổ, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định) là rất ít và có xu hướng giảm dần. Phần đa các hộ trước đây khai thác bằng nghề đăng, đáy tại vùng cửa sông, ven biển đã tự giác tháo dỡ hoặc chuyển đổi hình thức phù hợp với yêu cầu thực tế đặt ra.
Trung tá Hoàng Đình Sơn, Phó đồn trưởng đồn biên phòng Lạch Kèn (huyện Nghi Xuân) cho biết, thời gian qua đơn vị phối hợp các cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đánh bắt thủy sản vùng biển. Theo đó, bắt và xử phạt 32 vụ đánh bắt thủy sản sai quy định như trộm cắp ngư cụ, sử dụng các loại thuốc nổ để đánh bắt hải sản trên biển. Xử phạt thêm 22vụ/21 đối tượng từ các tỉnh khác vào vùng biển Hà Tĩnh khai thác thủy sản theo hình thức sử dụng dã cào…
Đơn vị chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên vùng biển |
Sở dĩ một bộ phận ngư dân còn sử dụng hình đánh bắt dã cào, thuốc nổ là do thu không bù nổi chi. “Nếu đánh bắt thông dụng, hợp pháp thì sau một chuyến ra khơi, nguồn lợi thu về không đủ bù tiền dầu, tiền công. Nhất là thời điểm mùa đông, số lượng ra khơi đánh bắt tính đầu bàn tay, thật sự khó khăn cho người dân vùng biển” – ngư dân Nguyễn Văn Linh (xã Xuân Song, huyện Nghi Xuân) cho hay.
Theo đó, ngoài tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, lực lượng chức năng Hà Tĩnh còn ra quân tuần tra kiểm soát trên biển, quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm quy định về đánh bắt sai ngư trường; sử dụng tàu giã kéo, lưới mắt nhỏ, thuốc nổ... khai thác theo hình thức hủy diệt. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng mô hình tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ, hỗ trợ ngư dân an tâm bám biển
Ngành thủy sản Hà Tĩnh bứt phá mạnh mẽ sau hơn 1 năm gặp sự cố môi trường biển |
Với sự vào cuộc mạnh tay của cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua đã và đang góp phần hạn chế, tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp là tiền đề đề xây dựng một nghề cá bền vững.